Hải quan Việt Nam phối hợp chặn thương vụ tỷ đô lợi dụng chính sách thuế xuất để trục lợi


Sau thời gian dài theo dõi, lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ 1,8 triệu tấn nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc để chuẩn bị chuyển đi nước ngoài.

Kho nhôm khổng lồ được cơ quan chức năng phát hiện tại Vũng Tàu.
Kho nhôm khổng lồ được cơ quan chức năng phát hiện tại Vũng Tàu.

Trong cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay, đó là vụ bắt giữ 1,8 triệu tấn nhôm, có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Vụ việc bắt đầu từ một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác nhằm hưởng lợi thế từ chênh lệch thuế suất. Sau khi bị hải quan kiểm tra thực tế, doanh nghiệp này đã không làm thủ tục xuất khẩu đi Mỹ nữa mà chuyển sang nhập về Việt Nam.

Thời gian qua, trước tác động của việc mặt hàng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%, trong khi đó mặt hàng nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, còn, thấp hơn 25 lần. Điều này khiến doang nghiệp Trung Quốc đã tìm mọi cách để bí mật chuyển hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam để tẩy xuất xứ nhằm né thuế.

Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, rõ ràng vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm được các cơ quan chức năng phát hiện tại Việt Nam là có sự tính toán của nhà đầu tư trong nghi vấn lẩn tránh né thuế xuất hàng sang Mỹ. Chỉ tính 1,8 triệu tấn nhôm này nếu xuất sang Mỹ trót lọt sẽ giảm được 25 lần thuế xuất khẩu, nguồn lợi mà doanh nghiệp Trung Quốc hưởng có thể tính hàng tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Hải quan cùng các cơ quan chức năng đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn nhôm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, do nguồn lợi quá lớn nên các doanh nghiệp vẫn cố tình “chơi lớn”. Hiện vụ việc đã được Hải quan Việt Nam phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh, đồng thời, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.

Hiện nay, đang xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp cũng như lợi dụng chính sách thuế xuất để trục lợi bằng hình thức giả mạo xuất xứ hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi các nước.

Rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo dạng nhập nguyên liệu thành phẩm, bán thành phẩm của nước ngoài về ghi nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Hiện Hải quan Hải Phòng đang tạm giữ 10 container xe đạp chuẩn bị xuất ra nước ngoài ghi nhãn mác Việt Nam. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì 100% số xe đạp trên được nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về dán nhãn mác xuất xứ Việt Nam.

Ông Cẩn nhấn mạnh, ngành Hải quan đã, đang và sẽ tập trung đấu tranh mạnh mẽ về vấn đề giả mạo xuất xứ hàng hóa, không để Việt Nam thành nước trung chuyển cũng như tiếp tay cho gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tiếp tục điều tra đồng loạt, quyết liệt đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, quyết tâm không để các đối tượng lợi dụng Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa vi phạm về xuất xứ, gian lận thương mại…

Bộ Công Thương vừa chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua. Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp trong nước và góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa “lẩn tránh” qua Việt Nam. Biện pháp chống bán phá giá này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/10.