TS. Vũ Hồng Thanh - Chuyên gia kinh tế:

Hoạt động của hơn 750.000 doanh nghiệp sẽ khởi sắc nhờ giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ

PV.

Đó là khẳng định của TS. Vũ Hồng Thanh - Chuyên gia kinh tế, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khi trao đổi về các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19, mà hiện nay Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo đề xuất của Bộ Tài chính.

TS. Vũ Hồng Thanh - Chuyên gia kinh tế.
TS. Vũ Hồng Thanh - Chuyên gia kinh tế.

Phóng viên: Hiện cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về những đề xuất mới đây của Bộ Tài chính để hỗ trợ DN?

TS. Vũ Hồng Thanh: Tôi cho rằng đây là một quyết định rất kịp thời của Bộ Tài chính và Chính phủ trong giai đoạn hiện nay khi làn sóng phá sản DN đang diễn ra mạnh mẽ, với con số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2020 có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Tuy nhiên, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đã có tới 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, chiếm gần 70% so với năm 2020 – một con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.

Với việc giãn, giảm số tiền thuế phải nộp, giảm mức thuế suất đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng DN. Điều này cũng thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của Bộ Tài chính và Chính phủ với cộng đồng DN trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp và khó khăn hiện nay.

Phóng viên: Với sự hỗ trợ tiếp sức từ Chính phủ và Bộ Tài chính thông qua các chính sách  giãn thuế, giảm thuế suất, miễn tiền chậm nộp cho DN, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của DN những tháng cuối năm, thưa ông?

TS. Vũ Hồng Thanh: Để vận hành, DN cần “gồng gánh” hai nhóm chi phí chính là: Chi phí giá vốn hàng bán và chi phí hoạt động, trong đó chi phí thuế thường chiếm khoảng từ 15%-20% chi phí hoạt động của DN.

Do vậy, với sự hỗ sự hỗ trợ tiếp sức từ Chính phủ, Bộ Tài chính với các nhóm đề xuất chính như: Giảm 50% số thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế; Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình...; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020... thì với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đây sẽ là nguồn hỗ trợ kịp thời và quý giá cho cộng đồng DN trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngoài các đề xuất của Bộ Tài chính thì còn cần thêm các giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành khác như: Giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ từ Ngân hàng Nhà nước; Hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm từ Bộ Công Thương; Tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng từ Bộ Giao thông Vận tải...

Với những giải pháp hỗ trợ đồng bộ này, tôi tin hoạt động của hơn 750.000 DN tại Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát sau nỗ lực phòng, chống dịch và tiêm vắc xin của Chính phủ… Tuy nhiên, bản thân chính các DN cũng cần phải sáng tạo, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, chia sẻ với Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phóng viên: Trong bối cảnh thu ngân sách có xu hướng giảm do tình hình sản xuất khó khăn cùng với đó là các chính sách giãn, giãn thuế để hỗ trợ DN. Ông có khuyến nghị gì về điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới, thưa ông?

TS. Vũ Hồng Thanh: Trong những tháng cuối năm, thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm do tình hình sản xuất khó khăn cùng với đó là các chính sách giãn, giãn thuế của Chính phủ để hỗ trợ DN với ước tính số tiền giảm thu khoảng 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cũng đang vấp phải khó khăn lớn do dịch bùng phát tại các địa phương cùng với rất nhiều nguyên nhân khách quan như: các dự án gắn với yếu tố nước ngoài bị đình trệ vì dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu tăng cao…

Do vậy, dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa không còn nhiều. Theo tôi, Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa một cách linh hoạt với phương châm “liệu cơm gắp mắm”. Theo đó, cùng với việc giảm thuế hỗ trợ DN và người dân thì cần mạnh dạn cắt giảm chi tiêu như hội họp lãng phí; tiếp tục rà soát cắt giảm các dự án đầu tư công nằm trong kế hoạch nhưng thực sự chưa cần thiết; Kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để thúc đẩy các dự án đầu tư công trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước...

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!