Hội nghị Nhóm công tác kênh hợp tác tài chính ASEAN+3

D.Bùi (T/h)

Tham dự Hội nghị có đại biểu đến từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN+3.

Hội nghị Nhóm công tác kênh hợp tác tài chính ASEAN+3, hội nghị đầu tiên trong Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN/ASEAN+3 năm 2020.
Hội nghị Nhóm công tác kênh hợp tác tài chính ASEAN+3, hội nghị đầu tiên trong Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN/ASEAN+3 năm 2020.

Trong 2 ngày 14-15/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Nhóm công tác kênh hợp tác tài chính ASEAN+3. Đây là Hội nghị đầu tiên trong Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN/ASEAN+3 năm 2020 mà Việt Nam đóng vai trò chủ trì. Hội nghị do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì.

Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến Thỏa thuận hợp tác Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), định hướng hoạt động của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và những ưu tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy trong Hợp tác tài chính khu vực.

Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN tập trung thảo luận những lĩnh vực hợp tác tài chính như triển khai thực hiện Lộ trình hội nhập về phát triển thị trường vốn, tự do hoá tài khoản vốn; tự do hoá dịch vụ tài chính và hợp tác tiền tệ, tăng cường đối thoại chính sách cấp cao nhằm chia sẻ thông tin và đưa ra những biện pháp khuyến nghị ở cấp khu vực cũng như quốc gia hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra khủng hoảng, tăng cường phối hợp chính sách đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu; Phát triển môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo hiểm, thuế, hải quan.

Hội nghị Nhóm công tác hợp tác tài chính ASEAN+3 có nhiệm vụ đưa ra các giải pháp kỹ thuật để báo cáo lên cấp Thứ trưởng/Phó Thống đốc tài chính ASEAN+3 phê duyệt để triển khai thực hiện.

Trong đó, hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3 trải qua 23 năm hình thành và phát triển cũng đã đạt được những kết quả hợp tác nhất định. Năm 2020, Việt Nam và Nhật Bản với tư cách đồng chủ tịch ASEAN+3, dựa trên nguyên tắc kế thừa những ưu tiên của các nước chủ trì năm trước và cân đối tổng thể với mục tiêu chung của quốc gia, sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến khu vực gồm: Tăng cường tính hiệu quả và sẵn sàng của Sáng kiến Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM); Tăng cường năng lực giám sát của Cơ quan Giám sát Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) thành tổ chức giám sát kinh tế hảng đầu khu vực; Triển khai Lộ trình Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI). Ngoài ra, Việt Nam sẽ cùng với Nhật Bản đưa ra các khuyến nghị về thể thức/chương trình nghị sự/hình thức đối thoại chính sách và kiểm điểm kinh tế/nội dung thảo luận để tăng cường hiệu quả của tiến trình hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3.

Kênh hợp tác Tài chính ASEAN và ASEAN+3 được hình thành vào năm 1995 đối với ASEAN và 1997 đối với ASEAN+3. Đây cũng là hai kênh hợp tác sâu rộng nhất trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam nói riêng và toàn khu vực ASEAN nói chung, trong đó kênh ASEAN+3 mở rộng với 03 quốc gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Với vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã chủ động tham gia và góp phần đưa ra những sáng kiến, đề xuất nhằm xây dựng cấu trúc hội nhập tài chính khu vực, hướng tới các mục tiêu chung, góp phần nâng cao vị thế của khu vực trên thị trường quốc tế, đồng thời từng bước chuyển hóa các sáng kiến hợp tác khu vực thành lợi ích cụ thể cho từng quốc gia. Theo hình thức luân phiên, năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính khu vực ASEAN và đồng Chủ tịch Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 với Nhật Bản.