ICAEW: Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 5,4% trong năm 2021 và bứt phá lên 7,5% vào năm 2022

Theo Thùy Lê/baokiemtoannhanuoc.vn

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã phủ bóng đen lên Đông Nam Á và hạn chế đà phục hồi kinh tế của khu vực trong năm nay, đặc biệt là các quốc gia có mức độ miễn dịch thấp. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ tích cực hơn.

ICAEW dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4% trong năm 2021 và bứt phá lên 7,5% vào năm 2022. Nguồn: TTXVN
ICAEW dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4% trong năm 2021 và bứt phá lên 7,5% vào năm 2022. Nguồn: TTXVN

Miễn dịch COVID-19 là chìa khóa giúp kinh tế Đông Nam Á phục hồi

Báo cáo Dự báo kinh tế toàn cầu của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics nhận định: Các nền kinh tế có mức độ miễn dịch thấp với COVID-19 sẽ đối mặt với rủi ro nhiều nhất trong phục hồi tăng trưởng. Đặc biệt, sự chậm trễ triển khai tiêm chủng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia này, gây nên sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vậy, miễn dịch COVID-19 chính là chìa khóa giúp nền kinh tế Đông Nam Á phục hồi trước sự de dọa của đại dịch.

Các nền kinh tế châu Á đạt được tốc độ phục hồi thành công khác nhau trước tác động của biến thể Delta, phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và mức độ cách ly xã hội khác nhau ở mỗi quốc gia. Theo đó, làn sóng lây nhiễm COVID-19 mạnh mẽ ở Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong quý vừa qua là nguyên nhân khiến những quốc gia này phải đối mặt với sự phục hồi chậm trễ trong năm 2021. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao hơn và các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, đà tăng trưởng hứa hẹn được cải thiện đáng kể vào năm 2022.

ICAEW đưa ra dự báo: Đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh mẽ như Việt Nam, tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào sự phục hồi của khu vực sản xuất. Tuy nhiên, GDP của Việt Nam dự đoán vẫn sẽ ở mức 5,4% trong năm 2021 (đã điều chỉnh giảm từ 7,6% trong báo cáo gần đây nhất của ICAEW) và sẽ tăng lên 7,5% vào năm 2022. Sự khởi sắc trong tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng thời, lĩnh vực công nghiệp dự kiến sẽ được phục hồi từ khoảng giữa năm 2022.

Tương tự, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc dù ghi nhận số lượng ca nhiễm mới thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực nhưng biến thể Delta cũng khiến các quốc gia này buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ trong quý III năm nay. Dự báo, triển vọng kinh tế của các nước này trong năm 2022 là rất vững chắc khi tỷ lệ tiêm chủng cao và việc triển khai thành công các hạn chế có mục tiêu.

Ông Mark Billington - Giám đốc điều hành các thị trường quốc tế của ICAEW - nhận định: Biến thể Delta đã làm trật bánh quá trình phục hồi của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á và thực tế cho thấy để sống chung với COVID-19 là một vấn đề vô cùng phức tạp. Các chính phủ không chỉ phải thực hiện các biện pháp hạn chế thích hợp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mà còn cần phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch, nhằm cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trên phạm vi toàn thế giới, ICAEW cho rằng có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị chững lại do những lo ngại về biến thể Delta dẫn đến những biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính như sản xuất. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm 2021 và 4,7% vào năm 2022.

Nhiều cơ hội phục hồi xanh cho nền kinh tế

Báo cáo của ICAEW nhấn mạnh, hàng tồn kho sẽ làm gián đoạn các lĩnh vực sản xuất. Theo đó, mức độ khác nhau trong lệnh phong tỏa và thành công từ việc nới lỏng các hạn chế ở mỗi quốc gia đã tạo ra tình trạng quay trở lại công việc không đồng đều và tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều DN tại khu vực Đông Nam Á cũng báo cáo rằng, những hạn chế về nguồn cung vẫn là một thử thách trong ngắn hạn, đồng thời sản xuất chậm chạp sẽ dẫn đến tăng chi phí và áp lực lạm phát sẽ làm ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của các quốc gia trong khu vực này.

Ngoài ra, các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp và các ngành chăn nuôi gia súc. Do đó, sự chậm tiến độ triển khai các giải pháp năng lượng tái tạo có thể là một thách thức thực sự đối với tăng trưởng GDP của các quốc gia này trong dài hạn.

Mặt khác, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á đều đang có nhiều cơ hội để lập biểu đồ phục hồi xanh cho nền kinh tế với tư cách là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Cùng với mức nợ công thấp, điều này mang lại cơ hội xây dựng nền kinh tế trở lại xanh hơn nếu các quốc gia này đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, khai thác các mối quan hệ đối tác công và tư để tạo ra sự thay đổi.

“Các quốc gia có thể thực hiện được điều này bằng cách đặt ra các mục tiêu chính sách rõ ràng và cung cấp hướng dẫn cho DN về việc tích hợp các chiến lược bền vững trong tổ chức và đánh giá tiến trình của họ với một bộ khung báo cáo chung” - Báo cáo của ICAEW đưa ra khuyến nghị./.