Kho bạc Nhà nước đổi mới phương pháp phát hành trái phiếu chính phủ


Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), đưa TPCP trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời với việc cải cách này, KBNN đã giúp tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, KBNN đã không ngừng đổi mới, cải cách công tác phát hành TPCP trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và tiếp cận với những chuẩn mực tốt trên thế giới, các phương thức huy động vốn đã được KBNN triển khai, cụ thể:

Thứ nhất, khối lượng huy động: Căn cứ nhiệm vụ huy động vốn TPCP được Bộ Tài chính giao; tình hình thu, chi NSNN; kế hoạch trả nợ gốc và nhu cầu sử dụng vốn, tình hình thị trường, KBNN chủ động điều hành khối lượng phát hành TPCP phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách; đồng thời, duy trì ổn định thị trường TPCP, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN.

Theo KBNN kỳ hạn phát hành bình quân TPCP năm 2019 đạt 13,55 năm (tăng 0,86 năm so với cuối năm 2018 là 12,69 năm); kỳ hạn danh mục TPCP bình quân năm 2019 đạt 7,33 năm (tăng 0,50 năm so với cuối năm 2018 là 6,83 năm) cao hơn mục tiêu đặt ra là 6-7 năm đến năm 2020.

Thứ hai, kỳ hạn phát hành TPCP: Với mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ theo hướng kéo dài kỳ hạn vay, tăng cường tính bền vững của danh mục nợ, KBNN tập trung phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đặc biệt là trái phiếu có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên (chiếm khoảng 92% tổng khối lượng huy động, vượt chỉ tiêu đặt ra về tỷ trọng kỳ hạn phát hành quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2016-2020). Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP năm 2019 đạt 13,55 năm (tăng 0,86 năm so với cuối năm 2018 là 12,69 năm); kỳ hạn danh mục TPCP bình quân năm 2019 đạt 7,33 năm (tăng 0,50 năm so với cuối năm 2018 là 6,83 năm) cao hơn mục tiêu đặt ra là 6-7 năm đến năm 2020.

Thứ ba, về lãi suất phát hành TPCP: KBNN điều hành lãi suất phát hành TPCP theo định hướng thị trường, tận dụng thời điểm lãi suất thấp để tăng khối lượng phát hành, giúp giảm chi phí vay nợ, tăng hiệu quả quản lý nợ của Chính phủ. Năm 2018, lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,70%/năm (giảm 0,1%/năm so với cuối năm 2018 là 4,71%/năm). Hiện nay, lãi suất phát hành TPCP của Việt Nam ở mức thấp so với một số nước trong khu vực (lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 3,62%/năm, Philippines là 4,68%/năm, Indonesia là 7,04%/năm, India là 6,47%/năm).

Thứ tư, về cơ cấu nhà đầu tư: KBNN đã đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tăng tỷ trọng nắm giữ TPCP của nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại (NHTM). Bên cạnh đó hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra đến năm 2020, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hữu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 (đến hết tháng 10/2019, tỷ lệ nắm giữ của khối công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí, quỹ đầu tư đạt mức 55,2% tổng danh mục TPCP).

Thứ năm, tổ chức triển khai các nghiệp vụ quản lý nợ chủ động theo thông lệ quốc tế, cụ thể: Trong năm 2019, KBNN đã triển khai Đề án tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước giai đoạn 2017-2021, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, KBNN đã triển khai nghiệp vụ tái cơ cấu nợ thông qua hoán đổi TPCP, theo phương thức đấu thầu để giảm đỉnh nợ các năm 2020, 2021 nhằm hài hòa nghĩa vụ nợ TPCP giữa các tháng trong năm và giữa các năm. Qua kết quả đã triển khai, KBNN đã hạn chế rủi ro đảo nợ cho NSNN theo thông lệ quản lý nợ Chính phủ tốt trên thế giới.

Thứ sáu, phát triển thị trường TPCP: Tăng quy mô mã trái phiếu, giảm số lượng mã trái phiếu trên thị trường để tạo điều kiện hỗ trợ giao dịch thứ cấp, thúc đẩy thanh khoản thị trường; lãi suất TPCP từng bước trở thành lãi suất tham chiếu cho các công cụ huy động vốn khác trên thị trường; các sản phẩm trái phiếu đa dạng hóa để phù hợp với nhu cầu nhà đầu tư khác nhau, góp phần hỗ trợ mở rộng cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP.

Theo KBNN, những cải cách trên thị trường trái phiếu sơ cấp đã đóng góp vào sự phát triển của thị trường TPCP về quy mô thị trường, cấu trúc kỳ hạn TPCP. Trong những năm gần đây Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường TPCP đứng ở tốp đầu Châu Á. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á, thị trường trái phiếu Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5% mỗi quý và 15,7% cả năm 2018 – là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường Đông Á mới nổi.