Không thay đổi chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã đề ra

Việt Hoàng

Chính phủ thống nhất chưa điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra; các bộ, ngành, địa phương tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19, triển khai hiệu quả chiến lược vaccine, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai kịp thời hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập đối với doanh nghiệp...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 75/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, diễn ra ngày 1/7, và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, diễn ra ngày 2/7 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp thu đầy đủ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 57 và ý kiến thảo luận của các Thành viên Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021.

Nhằm đảm bảo thực hiện thành công chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan, địa phương liên quan phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô; theo dõi sát tình hình để cập nhật các kịch bản tăng trưởng, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 63/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ...

Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Cập nhật thông tin, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và năm 2022; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay.  

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường; có giải pháp tích cực để kiểm soát nhập siêu, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa; tổng kết bài học kinh nghiệm trong việc tiêu thụ nông sản nội địa thời gian qua, xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng cho việc tiêu thụ sản phẩm nông sản có sản lượng, quy mô và giá trị lớn của các địa phương.

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan, địa phương liên quan thành lập Tổ công tác để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu container; tiếp tục cắt giảm, không để tăng các loại phí, chi phí đối với vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, trình Chính phủ trong tháng 7/2021.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...