Kịch bản tăng trưởng kinh tế thay đổi thế nào khi Covid-19 trở lại?

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngay trong tháng đầu năm 2021 có thể tác động tới kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, cũng như mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế như năm 2020 chắc chắn sẽ tiếp tục là bài học cho 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với Quốc hội giao. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 , Bộ Kế hoach và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, trường hợp dịch khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Quý I sẽ không đạt mục tiêu

Với mức suy giảm tăng trưởng trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).

Hoạt động du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 . 
Hoạt động du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 . 
 

Theo Bộ KH&ĐT, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01 là 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,37 điểm phần trăm).

Tất nhiên đây là kịch bản, còn quyết định nhất vẫn là làm sao để thực hiện được mục tiêu này khi doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do Covid-19 gây ra.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ này đã xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng kịch bản cho năm 2021 trên các lĩnh vực công nghiệp – thương mại, trên cơ sở các mục tiêu đặt ra cũng như kết quả tăng trưởng thời gian qua.

"Chúng ta xác định nhiệm vụ cũng như mục tiêu đặt ra trong quý I rất nặng nên cần phải có nhiều giải pháp, phương án để phấn đấu đạt được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, những biến động mới của thị trường Mỹ cũng như biến động chung của thị trường quốc tế thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi, cũng như mở ra cơ hội mới để Việt Nam tận dụng, phục hồi và phát triển. Dù vậy, Bộ trưởng Công Thương cho rằng không thể chủ quan, bởi bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể tác động đến các hoạt động thương mại và công nghiệp sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có đến 8.000 công nhân đang phải cách ly tại nhà, bởi dịch bệnh Covid-19. Nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.

"Tôi nói lên điều này là thể hiện sự đồng tình và chia sẻ với những quan điểm của Bộ Y tế. Bối cảnh hiện tại rất cần có sự chỉ đạo xuyên suốt thống nhất để có giải pháp phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh, cụ thể với đặc thù của từng khu vực sản xuất. Đặc biệt là chúng ta phải huy động các doanh nghiệp tham gia sâu vào chiến dịch này với cam kết cụ thể cùng với chính quyền các cấp để đảm bảo tham gia phòng tránh dịch bệnh", ông Tuấn Anh nói.

Thị trường trong nước sẽ là bệ đỡ

Theo GS., TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội, tiền đề của 2021 là năm 2020. Dịch Covid-19 diễn ra làm đảo lộn nền kinh tế. Tác động của nó thực sự ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, không nước nào tránh khỏi, nhất là những nước mở cửa rộng.

Việt Nam cũng là một trong những nước mà nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ hoạt động kinh tế sẽ bị tác động bởi Covid-19 . Tuy nhiên, kết quả năm 2020 cho thấy tăng trưởng GDP năm 2020 đạt gần 3%, là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương. Từ trước đến nay, chúng ta nói tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào FDI, nhưng rõ ràng năm 2020 khu vực tư nhân trong nước đã phát triển rất mạnh và nỗ lực không ngừng.

Điều đáng chú ý theo ông Cường, năm 2020 do tác động của Covid-19 nên cấu trúc kinh tế Việt Nam thay đổi. Đó là sự nổi lên của "bệ đỡ" thị trường trong nước. Khi Việt Nam tiến hành đóng cửa nền kinh tế, hàng hóa nhập khẩu ít đi, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tái cấu trúc tạo ra sản phẩm phục vụ rất tốt cho thị trường nội địa, chủ động nguyên phụ liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu. Thị trường trong nước lớn lên, hoạt động tốt hơn nên khi đóng cửa nền kinh tế thì chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương.

"Đây sẽ là tiền đề tốt, cơ sở duy trì phát triển kinh tế trong năm 2021, dù diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu khắc phục, Việt Nam chưa thể mở cửa hoàn toàn nền kinh tế", ông Cường nói.

Theo Bộ Trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới.

Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới, trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ... như chiến lược "vòng tuần hoàn kép" của Trung Quốc, chính sách "tăng trưởng xanh" của Hàn Quốc...

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta, tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Cùng với đó phải đẩy mạnh các giải pháp để phát triển kinh tế, trong đó cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác; tập trung nguồn lực cho các hoạt động chống dịch và đầu tư phát triển.

Duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp thuộc ngành nghề nhưng đây cũng là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp "chuyển mình" trước thách thức.

Kinh tế số và thương mại điện tử Việt Nam trong 2021 không chỉ là lĩnh vực được đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng mà còn được xem là công cụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, thích ứng với xu hướng thị trường tiêu dùng hiện nay và trong tương lai.