Kích cầu nội địa - chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp

Theo Đỗ Hương/canhtranhquocgia.vn

Thủ tướng Chính phủ xác định việc đẩy mạnh kích cầu trong nước là một trong những nhiệm vụ then chốt của nhiều ngành kinh tế thời gian tới. Đối với ngành nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nội địa không chỉ là chiến dịch trước mắt mà là chiến lược lâu dài để nắm lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Kích cầu nội địa - chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp.
Kích cầu nội địa - chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp.

Phóng viên: Với góc độ là đơn vị tham mưu về chế biến và thương mại nông sản, ông nhìn nhận thế nào về tác động của kích cầu nội địa đối với các ngành hàng nông sản?

Ông Nguyễn Quốc Toản.
Ông Nguyễn Quốc Toản.

Ông Nguyễn Quốc Toản: Có thể nói thị trường nội địa luôn là mối quan tâm của các chủ thể khác nhau, bao gồm từ các phía: Cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp, doanh nghiệp (DN), bà con nông dân và địa phương…

Câu chuyện về phát triển thị trường nội địa được các nước phát triển rất coi trọng, có thể nói họ coi trọng như thị trường xuất khẩu (XK). Tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhất là ngành Công Thương về việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong nước. Đối với ngành  nông nghiệp chúng tôi mong muốn sản phẩm nông sản được phát huy đầy đủ những tiềm năng, thế  mạnh để đẩy  mạnh tiêu thụ với mục đích cao nhất là phục vụ người Việt.

Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến nay đạt nhiều tiêu chí khác nhau. Chất lượng đã được tăng cường với một mắt xích quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta đã thực thi vấn đề về Luật An toàn thực phẩm và làm rất tốt việc phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Chúng ta cũng nhận thức thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa là chuẩn hóa mặt hàng nông sản về quy cách, chất lượng, bao bì, thương hiệu… Là cơ quan tham mưu cho Bộ NN&PTNT về chế biến phát triển thị trường, chúng tôi coi đó là cách thức giúp giá mặt hàng nông sản được định vị ở phân khúc tốt hơn.
Cùng với đó nâng cao chất lượng và chuẩn hóa thương hiệu sẽ giúp hàng nông sản phân phối qua  hệ thống siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng  bán lẻ tiện ích. Bà con nông dân hợp tác xã được bao tiêu có tính chất đồng bộ hơn, bao tiêu cả mùa vụ cũng như hưởng những chính sách, chương trình kích cầu của các chuỗi siêu thị.

Ông nhìn nhận vai trò của các chợ đầu mối trong kích cầu tiêu thụ nông sản như thế nào?

Hiện nay có khoảng hơn 30 chợ đầu mối lớn hoạt động, trong đó 17 chợ ở khu vực thành thị, còn lại ở nông thôn. Nếu phân theo chuyên doanh với khối lượng giao dịch tầm 100 tấn – 300 tấn/ ngày thì có khoảng 15 chợ đầu mối lớn về rau quả, 5 chợ đầu mối về thủy sản, 2 chợ đầu mối về gia súc gia cầm. 

Chợ đầu mối là kênh quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Nếu hàng được kiểm duyệt tập trung tại các chợ đầu mối này thì sẽ là bộ lọc rất lớn để hàng hóa đạt chuẩn trước khi tiêu thụ tại khu vực thành thị. Nhưng thực tế hiện nay các chợ đầu mối chưa thực sự đa dạng. 

Chúng ta cần đẩy  mạnh mô hình chợ đầu mối quy mô quốc tế. Chúng tôi đã được đi học tập, tham quan các chợ đầu mối nước ngoài với mô hình chợ đầu mối liên vùng, liên doanh với nội địa... rất hiệu quả. Cần phải xây dựng được các chợ đầu mối có khả năng kết nối về giao thông, có yếu tố thuận lợi trung chuyển cảng biển, có khu vực tập kết hàng hóa hay sơ chế đóng gói, kiểm soát chất lượng với sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ trước khi phân phối đến đầu mối tiêu thụ… Lúc đó, không chỉ tiêu thụ nội địa trong nước mà XK cũng sẽ được đẩy mạnh đáng kể. 

Theo ông đâu là những điểm nghẽn trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại nội địa hiện nay?

Hiện nay, mạng  lưới siêu thị, đại siêu thị, chợ đầu mối còn chưa đa dạng, phong phú. Đặc biệt kết cấu hạ tầng thương mại phân bổ theo các khu vực thành thị, nông thông chưa đồng đều. 

Theo thống kê của ngành công thương, đến đầu năm 2019 có gần 9.000 chợ hoạt động. Trong đó, phân chia ra gần 300 chợ hạng 1, trên 950 chợ hạng 2 và khoảng 7.500 chợ hạng 3. Bên cạnh đó có gần 200 trung tâm thương mại hiện diện trên gần 50 tỉnh, thành phố…. Điển nghẽn cần giải quyết là hạ tầng cần phân bổ đồng đều giúp người tiêu dùng Việt Nam có khả năng tiếp cận nhanh tiện ích, cấn hướng tới mỗi chung cư có một cửa hàng nông sản riêng.

Một điểm nghẽn nữa tôi cho là nằm ở chính hành vi người tiêu dùng. Qua đại dịch vừa qua càng thấy hơn sức mua nhóm hàng lương thực thực phẩm của người Việt Nam rất lớn. Để hỗ trợ kích cầu hơn nữa, cần thúc đẩy thương mại điện tử, người dân có thể ngồi nhà đặt đồ siêu thị, điều này đòi hỏi gắn kết thương mại nội địa với thương mại điện tử.

Cuối cùng là phải tổ chức liên kết chặt chẽ chuỗi siêu thị với hệ thống hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân nhằm thúc đẩy tiêu thụ các nhóm đặc sản vùng miền, các nhóm sản phẩm của chương trình OCOP… Sự gắn kết chặt chẽ sẽ giúp hàng nông sản Việt có tần suất vào siêu thị nhiều hơn và phát triển bền vững hơn qua kênh này.

Theo ông, ưu thế nhất của nông sản Việt trên sân nhà là gì? Liệu với làn sóng hội nhập sắp tới, đặc biệt là sự vào cuộc của các “ông lớn” trong ngành bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam, liệu nông sản Việt có cạnh tranh được không?

Tôi tin sản phẩm nông sản Việt Nam sẽ vẫn có chỗ đứng ở thị trường nội địa bởi đây là thị trường truyền thống, người sản xuất hiểu người tiêu dùng, cùng chung văn hóa với người tiêu dùng. Đặc biệt với ưu thế là đồ tươi ngon thì không thể sản phẩm nhập khẩu nào có thể thay thế.

Điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm nông sản. Đối với thị trường XK, hiện chúng ta đã chuẩn hóa 3 cấp độ với nông sản chủ lực có giá trị XK tỷ USD phải làm theo những tiêu chuẩn của thị trường NK. Tiêu chuẩn đó sẽ được các nước quy định cụ thể như Global Gap, các tiêu chuẩn Châu Âu… khi vững vàng ở thị trường XK thì cũng chính là lúc chúng ta tự tin có giấy thông hành bền vững hơn trong thị trường nội địa. Cũng chính vì vậy công tác thúc đẩy XK luôn đi song hành với phát triển thị trường nội địa. 

Sự xuất hiện của các DN bán lẻ lớn vào thị trường Việt Nam cho thấy sức hút của thị trường nội địa rất lớn. Đây cũng là bài toán khó với DN nông sản Việt Nam nhưng chỉ cần biết phát huy những điểm mạnh trong việc sản xuất nông nghiệp hiện nay của chúng ta thì vẫn giữ chân được các DN lớn và vẫn tiêu thụ được nội địa. Đây cũng là cú hích để sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa và bài bản hơn.

Xin cảm ơn ông!