Kiểm soát lạm phát để phục hồi kinh tế

Theo Tô Hà/nhandan.vn

Sức nóng của lạm phát đang lan tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, không vì quá lo sợ “bóng ma” lạm phát mà dẫn tới kìm nén hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giá bán lẻ xăng, dầu liên tục giảm nhưng hàng hóa, dịch vụ trong nước vẫn giữ ở mức cao. Ảnh: SONG ANH
Giá bán lẻ xăng, dầu liên tục giảm nhưng hàng hóa, dịch vụ trong nước vẫn giữ ở mức cao. Ảnh: SONG ANH

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát vẫn đang được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bảy tháng năm 2022 tăng 2,54% so cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất tích cực, cho thấy Việt Nam tránh được vòng xoáy lạm phát, suy thoái kinh tế đang đe dọa toàn cầu. Nhưng áp lực lạm phát gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Hình thành mặt bằng giá mới

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ mức 5,8% lên 7,5%. Cùng với đó, WB cũng cảnh báo đà phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, bao gồm lạm phát cao, thiếu hụt lao động, đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát ở Việt Nam do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Số liệu thống kê cho thấy, bảy tháng năm 2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước có 13 lần tăng giá, sáu lần giảm giá với mức tăng bình quân 49,75% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm. Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu đã được giảm kịch sàn từ ngày 11/7, giúp giá bán lẻ xăng, dầu dịu đi nhưng hàng hóa, dịch vụ trong nước đã hình thành mặt bằng giá mới và rất khó để giảm về mức cũ.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: Trong thực tế, lạm phát đã hiện hữu, không còn ở mức thấp nữa. Nếu chỉ một số mặt hàng tăng giá thì kéo xuống được, nhưng khi mặt bằng giá mới đã hình thành chung cho các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ rất khó giảm. Đặc biệt là giá xăng lên thì đừng mong mặt hàng khác giảm giá. Cần nhìn nhận đúng bản chất như vậy để không can thiệp vào giá bằng biện pháp hành chính mà phải sử dụng công cụ thị trường.

Rủi ro lạm phát cũng là một trong những vấn đề được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt lưu ý trong quá trình phục hồi kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước đang tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Cụ thể, lạm phát từ bên ngoài bắt đầu ảnh hưởng các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Trong hoạt động đầu tư, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, giá bất động sản cũng tăng cao ở hầu hết các địa phương, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tác động đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Tài chính gần đây cũng cảnh báo lạm phát là một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới năm 2022 và Việt Nam không phải ngoại lệ. Sức ép lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam chủ yếu do nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu vì sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, tỷ giá, lãi suất đang có xu hướng tăng. Dự báo lạm phát cao sẽ tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kết quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.

Chính sách tài khóa là điểm tựa phục hồi

Thách thức rất lớn của Việt Nam hiện nay là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát và điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Sức nóng của lạm phát đang lan đến tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội và dự báo còn tiếp tục tăng lên do cả yếu tố tác động từ bên ngoài là độ trễ nhập khẩu lạm phát của thế giới và yếu tố tác động từ bên trong là xu hướng tăng giá các mặt hàng thực phẩm vào cuối năm. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế gợi mở về khả năng điều chỉnh mục tiêu lạm phát lên mức khoảng 5% để có dư địa điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp tình hình mới.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên khó tránh khỏi nhập khẩu lạm phát. “Theo tính toán, lạm phát bình quân toàn cầu năm nay rơi vào khoảng 6,2%, từ mức 3,8% của năm 2021. Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, độ mở rất cao nên không thể đứng ngoài cuộc, nếu cứng nhắc mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% sẽ kìm nén sản xuất, kinh doanh, dẫn đến hiện tượng thiếu nguồn cung, đẩy giá lên, buôn lậu, găm hàng…”, TS Cấn Văn Lực nói.

Nhấn mạnh nguyên nhân lạm phát của Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để kéo giảm lạm phát cần tập trung vào các chính sách thuế, chính sách tiền tệ không có nhiều dư địa. Nếu thắt chặt chính sách tiền tệ, ngay lập tức sẽ làm suy giảm sản xuất, từ đó làm giảm cung hàng hóa, đẩy lạm phát tăng lên. Ngược lại, nếu nới lỏng tiền tệ sẽ kích hoạt lạm phát qua việc làm tăng tỷ giá hối đoái, khiến việc giá hàng hóa nhập khẩu tăng theo tỷ giá. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất thận trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ với loại lạm phát này, chỉ linh hoạt trong trường hợp cần thiết.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, trong thời gian tới, chính sách tài khóa phải là điểm tựa cho sự phục hồi của nền kinh tế. Còn chính sách tiền tệ nên thực hiện linh hoạt, hướng dòng tiền đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu dựa theo chuỗi…

WB cũng khuyến cáo trọng tâm của chính sách tài khóa trong thời gian tới nên tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng. Trong khu vực tài chính, cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu, đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ. Nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực, chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.