Kinh tế Việt Nam nỗ lực “vượt khó” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Tuấn Phùng

Đó là nhận định chung của nhiều tờ báo, tổ chức tài chính quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong một bài viết đăng mới đây, Tạp chí The Economist (Anh) đã có những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo tờ báo này, năm 2020 sẽ “hơi khác biệt” do tác động của đại dịch COVID-19. Rất ít nền kinh tế mới nổi có cơ hội tăng trưởng, phát triển. Tuy nhiên, vì các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái nhanh hơn nên khoảng cách giữa các nền kinh tế đang phát triển với các nền kinh tế phát triển vẫn được thu hẹp. Trong bối cảnh đó, chỉ một số ít nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn tăng trưởng - đó có thể là Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam. 

Nền kinh tế Việt Nam đã có những động lực tăng trưởng từ nội địa và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn. HSBC cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không cần phải tốn nhiều công sức để gặt hái lợi nhuận khi đổ tiền vào Việt Nam.

Trong khi đó, trong bài viết trên tờ Nikkei Asia Reviews ngày 7/8/2020 cũng đưa ra nhận định, Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 nhưng không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ nhưng vẫn đảm bảo để các hoạt động của nền kinh tế phát triển với quyết tâm song hành triển khai mục tiêu kép “phòng chống dịch” và “phát triển kinh tế”.

Trước đó, tháng 7/7/2020, tờ CNBC (Anh) cũng đã có bài viết “Triển vọng kinh tế Việt Nam – Một trong những điểm sáng nhất của châu Á”. Trong đó bài viết nhận định, Việt Nam đang rất thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tình hình doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn có xu hướng tăng trong tháng 6, có xu hướng tốt hơn so với các nền kinh tế trong khu vực. Nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng âm sau 2 quý so với cùng kỳ năm trước, song tăng trưởng sản phẩm quốc nội vẫn tăng nhẹ, ở mức ước khoảng 0,36%.

Tờ báo này cũng đưa ra nhận định của các chuyên gia khi cho rằng Việt Nam đang tăng trưởng và từng khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu xét về góc độ xuất khẩu, đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trong khu vực. Thu hút FDI dù hiện nay có nhiều cản trở, trách thức, do hạn chế cách li song các hoạt động đầu tư có thể kích khởi vào năm 2021 khi mà các quy định về hạn chế nhập cảnh được gỡ bỏ.

Theo các chuyên gia quốc tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều động thái kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời có các động thái để thu hút dòng dịch chuyển của vốn ngoại trong khu vực. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, Bộ Tài chính đã đưa ra các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí, "trong khi Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ đẩy tăng trưởng tín dụng lên trên 10%", CNBC nhận định.

Trên tờ Financial Times hôm 1/7/2020, cũng có bài viết Việt Nam đẩy nhanh các chương trình, dự án để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại địch. Theo bài viết này, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy các dự án thương mại lớn nhất trong năm nay khi mà Chính phủ đang muốn tìm kiếm và đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư công và đầu tư từ khối tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng trong một bài viết khác vào ngày 17/6 trên tờ báo này, cũng đưa ra nhận định Việt Nam đang tận dụng việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu có hiệu lực trong tháng 8 này để thu hút các nhà sản xuất của khu vực này như một cách để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ báo chí quốc tế, nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng cũng có nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngày 23/7, Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu quý II/2020 mang tựa đề “The aftershock” (tạm dịch: “Dư chấn”). Trong báo cáo này, Standard Chartered đã đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới suy yếu.

Trong báo cáo về thị trường cận biên (Frontier Market) tại châu Á vừa công bố, HSBC đã có những đánh giá cao về thị trường và đưa ra nhiều lý do lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Theo nhận định của ngân hàng này, Việt Nam là một trong những trường hợp có quá trình tăng trưởng dài hạn tốt nhất ở châu Á và là thị trường cận biên ưa thích nhất của HSBC. Các lý do mà HSBC đưa ra gồm: tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài triển vọng, tỷ trọng trong thương mại toàn cầu tăng, khả năng kiểm soát ấn tượng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và nỗ lực đầu tư, cải cách chính sách, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài... và cổ phiếu rẻ.

Trong báo cáo trước đó vào ngày 28/5/2020, HSBC đã nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam không còn chỉ hưởng lợi nhờ ưu thế địa lý và xu thế thuê ngoài (outsourcing) nữa. Thay vào đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những động lực tăng trưởng từ nội địa và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn. HSBC cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không cần phải tốn nhiều công sức để gặt hái lợi nhuận khi đổ tiền vào Việt Nam.