Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả tích cực


Ngày 3/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2021. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng được người dân và doanh nghiệp quan tâm.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2021. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2021. Nguồn: baochinhphu.vn

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về công tác phòng chống dịch Covid-19; tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dự báo thực hiện 6 tháng và các giải pháp trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước những tháng đầu năm và các giải pháp trong những tháng cuối năm; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Đề án thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030...

Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội 5 tháng và tháng 5 tiếp tục đạt kết quả tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước; Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định; tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%.

 

Toàn cảnh  Chính phủ đã họp phiên Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Nguồn: chinhphu.vn
Toàn cảnh  Chính phủ đã họp phiên Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Nguồn: chinhphu.vn

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đã đạt hơn 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,5%; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi, đạt 14 tỷ USD; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55,8 nghìn doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua...

Kết quả trên đã được các tổ chức kinh tế quốc tế ghi nhận, bằng chứng là Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đạt được kết quả nêu trên là nhờ thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự điều hành quyết liệt, đúng hướng, có hiệu quả của các cấp chính quyền; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường và giữ vững.

Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công vẫn chậm, gặp khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ; nhập siêu trở lại do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, trong khi đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh; xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài...

Nhấn mạnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức rõ hơn về những khó khăn, thách thức, vướng mắc. Cùng với đó, cần bám sát, nắm chắc tình hình, nhất là tình hình thực tiễn tại mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng hướng, sát tình hình, khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa, hợp lý để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, cắt giảm chi tiêu hành chính không cần thiết để tập trung cho đầu tư phát triển. 

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm cung cầu những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về những vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan tới chiến lược vắc xin, đầu tư công, xuất nhập khẩu và kinh tế vĩ mô...

Về nhiệm vụ đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề này, cương quyết cắt giảm các dự án dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Chính phủ sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh...