Làng nghề trong cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu: Điêu đứng sau 300 năm tồn tại

Người Lao động

Thời hoàng kim, làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế có đến 500 lao động làm việc trong hàng chục doanh nghiệp song nay chỉ còn chưa đến 100 người ở vài cơ sở sản xuất èo uột.

Bước vào khu làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh vài con trâu đứng co ro tránh gió rét trong cơ sở sản xuất của nghệ nhân Lê Văn Mân. Ông Mân ngao ngán: “Nhà xưởng sản xuất bỏ hoang, thợ thầy tứ tán. Năm 2008 là năm đen tối của làng nghề Mỹ Xuyên”.

Nhớ nghề mang đục, chạm chơi...

Mới năm trước, doanh nghiệp (DN) mộc mỹ nghệ xuất khẩu Hòa Bình của ông Mân vẫn còn làm ăn khấm khá, mỗi tháng xuất được vài container sản phẩm, thu về hàng ngàn USD. Thợ thầy điêu khắc ngày nào cũng nộp đơn xin vào làm việc tại DN này. Đùng một cái, khủng hoảng kinh tế xảy ra. Từ đầu năm 2008, đối tác nước ngoài của DN mua ít hàng lại, dần dần không mua nữa. DN Hòa Bình mất dần thị trường, bán không được hàng, tiền lương không đủ trả cho công nhân, thua lỗ triền miên, cuối cùng đành đóng cửa.

Một không khí ảm đạm bao trùm khắp làng nghề Mỹ Xuyên. Chúng tôi không còn nghe tiếng chạm, đục quen thuộc. Ông Lê Thừa Đông, trưởng làng Mỹ Xuyên, ngán ngẩm: “Chưa có khi nào làm ăn khó như bây giờ. Cơ sở nào cũng chất đống sản phẩm, bán chẳng ai mua”. Tại cơ sở của ông Lê Thừa Bằng, chúng tôi thấy cửa đóng kín, gọi mãi mới có một người đàn ông bước ra.

Ông Bằng buồn bã: “Không có việc làm, thợ thầy bỏ đi hết rồi. Lâu lâu nhớ nghề, tôi mang đục, chạm ra đẽo chơi, sẵn dạy nghề cho mấy đứa trẻ trong làng”. Cơ sở của ông Bằng khi làm ăn khấm khá có đến 50 lao động, nay hàng làm ra bán không được, rốt cuộc hết vốn. Đầu năm 2008 đến nay, ông không bán được lô hàng nào, sản phẩm làm ra chất đầy nhà. Chỉ tay vào giàn máy tiện gỗ bám đầy mạng nhện, nhiều chỗ đã hoen gỉ, ông Bằng chùng giọng: “Chẳng biết khi nào thị trường phục hồi để thợ thầy có được việc làm như xưa?”.

Một cơ sở nổi tiếng khác tại làng nghề Mỹ Xuyên là DN mỹ nghệ dân dụng Thường Trực của ông Lê Văn Trực cũng lâm cảnh tương tự. Ông Trực tính toán: Để làm nhà rường bằng gỗ mít xuất đi nước ngoài, từ đầu năm, ông phải mua với giá 18 triệu đồng/m3. Hiện gỗ mít chỉ còn 12 triệu đồng/m3, làm ra sản phẩm lỗ... xám mặt.

Trong lúc đó, tiền công lao động khó thể giảm xuống. Ông Trực trăn trở: “Biết là phải cầm cự để giữ nghề, nhưng nhiều đêm tôi ngủ không yên vì lo sản phẩm không bán được, chẳng biết tồn tại nổi không”.

Thợ thầy tha phương cầu thực

Làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên đến nay đã tồn tại hơn 300 năm. Thời hoàng kim, làng nghề này có đến 500 lao động làm việc trong hàng chục DN, nay chỉ còn chưa đầy 100 người ở vài cơ sở sản xuất èo uột. Đa số thợ thầy bỏ làng nghề tha phương cầu thực, làm thuê ở các tỉnh, TP, có người sang tận Lào, Thái Lan để làm những việc trái tay. Cụ Hoành Khánh, nghệ nhân cao tuổi nhất làng, day dứt: “Nhìn học trò bỏ nghề truyền thống, lần lượt tứ tán để làm nghề khác, tôi đau lòng quá!”.

Tại làng nghề Mỹ Xuyên có hơn một nửa DN, cơ sở sản xuất phải đóng cửa vì nợ nần chồng chất, sản phẩm không bán được. Cả làng hiện chỉ còn 5-6 cơ sở cố sản xuất cầm chừng. Ông Lê Thừa Bằng cho biết nhiều cơ sở, hộ sản xuất của làng bị vỡ nợ, trả không nổi nên bỏ nghề, đi làm việc khác để kiếm tiền trả ngân hàng. Cơ sở của ông cũng nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng, đã đến hạn trả mà ông vẫn chưa xoay đâu ra tiền.

Gần cơ sở của ông Bằng là cơ sở Nam Hòa thuộc HTX Mỹ Xuyên, vốn nổi tiếng nhất làng với đội ngũ thợ thầy tay nghề rất giỏi. Không hơn gì các DN, cơ sở tư nhân, cơ sở Nam Hòa cũng đã phải đóng cửa.