Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch COVID-19

Việt Hoàng

Sáng ngày 11/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn  trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ giải trình về một số nội dung như: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19; Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; Việc giảm tải chương trình học cho học sinh; Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học...

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống. Trong đó, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. 

Do tác động của dịch bệnh, đã có gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn; việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực…

Trong bối cảnh đó, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “ngừng tới lớp, không ngừng học tập”,  toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái trong dạy, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng trong giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo đã động viên toàn thể nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn Ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, với học sinh để đoàn kết ứng phó với dịch bệnh, tất cả vì học sinh thân yêu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đến nay, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần được phục hồi nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. 

Trả lời câu hỏi về chất lượng dạy, học trực tuyến, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cả nước đang có 350 quận, huyện, thị đang dạy học trực tuyến, còn lại đang học trực tiếp. Với 3 nhóm: đang học trực tiếp, nhóm đang chuẩn bị đưa học sinh quay lại trường học – cần nhóm giải pháp khác và có thể có nhóm phải học trực tuyến thêm...

Làm rõ về nội dung dạy thêm trực tuyến được đại biểu đề cập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.

Đối với nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.

Đối với nội dung đại biểu đề cập đến sai sót trong sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để có được bộ sách giáo khoa chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó người biên soạn cực kỳ quan trọng. Về thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm ráo riết, qua đó sửa đổi thông tư biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, đang được xin ý kiến trên mạng.

Trong đó, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả, mà Bộ sẽ giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu; đồng thời, yêu cầu các nhà khoa học tham gia soạn sách đăng ký trước, tiêu chuẩn các thành viên trong hội đồng cũng được điều chỉnh. Hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách và cùng chịu trách nhiệm...