Năm 2020, hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp


Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, sáng ngày 18/11/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp, công ty nông lâm trường.

160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã hoạt động theo mô hình mới

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, theo 6 mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, tính đến ngày 30/6/2019 đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.

Hiện nay, còn 69/256 công ty (chủ yếu là cổ phần hóa và chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên là 56/69 công ty) đang thực hiện sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới trong năm 2019, chiếm 26,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; 27/256 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo, trước sắp xếp, đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24,8 nghìn tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21,98 nghìn tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3,52 nghìn tỷ đồng.

Sau sắp xếp, đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là 27,84 nghìn tỷ đồng (bình quân 127,1 tỷ đồng/công ty), tuy nhiên tổng doanh thu giảm còn 14,97 nghìn tỷ đồng (bình quân 68,35 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 2,27 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các nông, lâm trường thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như 3 sứ mệnh: Là động lực mới của nền kinh tế; là một bộ phận quan trọng của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và là phương tiện công cụ quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt khó khăn vào cuộc sống.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW. "Hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp trong năm 2020." - Thủ tướng yêu cầu.

Đối với các công ty nông lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng hiệu quả các doanh nghiệp; Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết trái pháp luật.

Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sớm hoàn thiện việc sắp xếp lại, nhất là giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lại và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các Tổng công ty cà phê, cao su, lâm nghiệp vì đây là những doanh nghiệp rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống, việc làm cho người dân trên địa bàn.

Cho rằng các địa phương có trách nhiệm rất lớn, Thủ tướng yêu cầu phải làm mạnh hơn, giải quyết các tồn tại, nhất là tồn tại về đất đai, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc,  lập bản đồ địa chính, đưa ra các phương án với từng lâm trường cụ thể.