Năm 2022: Dự báo GDP tăng 6,5%

Theo Đỗ Nga/congthuong.vn

Mặc dù nền kinh tế đã có kết quả tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay nhưng vẫn còn nhiều rủi ro những tháng cuối năm do dịch COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông Rahul Kitchlu - quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho rằng, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay còn nhiều khó khăn, song vào năm 2022, khả năng xảy ra các đợt cách ly xã hội trên diện rộng ít hơn, điều này tạo nền tảng khả quan hơn cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trở lại. "Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi" - ông Rahul Kitchlu nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt phân tích, với kịch bản cơ sở giả định rằng, Việt Nam sẽ đạt được tình trạng bình thường mới khi 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng, điều này sẽ cho phép hầu hết ngành kinh tế mở cửa trở lại. Việc lưu thông giữa các tỉnh được tiếp tục, nới lỏng hơn đối với các hoạt động xã hội và dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% vào năm 2022, cùng sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân.

Để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân và giữ dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp. "Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng" - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Còn theo TS. Lê Duy Bình, để nền kinh tế phát triển bền vững, trước hết, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để trong hoàn cảnh nào cũng có sức chống chọi mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mang tính dài hạn. Bên cạnh đó, phát triển khu vực hộ kinh doanh cá thể, nâng cấp dần khu vực kinh tế không chính thức cũng cần được chú trọng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hoạt động kinh tế được dự báo sẽ phục hồi ở mức thấp do những ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch lên thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và ngân sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiến độ đầu tư công có thể không như mong muốn do các biện pháp kiểm soát COVID-19, Chính phủ có thể cần phải sử dụng nguồn lực tài khóa cho mục tiêu phòng, chống dịch.

WB khuyến nghị, cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa, cân đối phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và duy trì nợ công ở mức bền vững.