Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính

Văn Trường

(Tài chính) Sáng 28/12, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo áp dụng Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự trong lĩnh vực Tài chính: Thực tiễn và định hướng hoàn thiện, nhằm định hướng hoàn thiện Bộ Luật hình sự năm 1999 về các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, đồng thời đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: FinancePlus.vn

Xử lý nghiêm tội phạm tài chính

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Bộ luật hình sự, tình hình đất nước đã có những thay đổi lớn về mọi mặt đòi hỏi Bộ luật hình sự phải được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo ông Nghĩa, trong ngành Tài chính, việc tăng cường quản lý nhà nước bằng các công cụ pháp luật, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật luôn được xác định là mục tiêu, định hướng và được quy định cụ thể trong các chiến lược phát triển của ngành tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/03/2012; Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/03/2012; Chiến lược cải cách hệ thống giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2012.

Ông Đặng Công Khôi, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, hiện nay không ít tổ chức kinh tế (pháp nhân) đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm (trốn thuế, buôn lậu, tháo túng thị trường chứng khoán…), trong khi đó, trong quy định pháp luật mới chỉ xử lý đối với cá nhân phạm tội, còn tổ chức cũng có hành vi vi phạm tương tự thì không bị xử lý về hình sự mà bị áp dụng các chế tài xử phạt khác (hành chính, kinh tế, dân sự).

Đại diện Vụ Pháp chế cũng nêu việc áp dụng khung hình phạt vào xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự còn mang tính khái quát cao, trong khi chưa có những hướng dẫn cụ thể hoặc mô tả không còn phù hợp. Điển hình về hành vi thao túng chứng khoán, theo quy định tại Điều 181c thì 2 hành vi vi phạm bị truy tố hình sự theo tội thao túng giá chứng khoán. Trong khi đó, Nghị định số 58.2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán quy định giao dịch thao túng thị trường chứng khoán gồm 6 hành vi  tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012.

Các chuyên gia cũng cho rằng, một số dấu hiệu của tội phạm được quy định còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng hoặc quy định đã không còn phù hợp hoặc quy định còn chưa bao quát hết hành vi vi phạm gây khó khăn trong việc xác định vi phạm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Đức Thắng, Vụ Pháp chế (Bộ Công an) khẳng định, tội phạm trong lĩnh vực tài chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lợi dụng các kẽ hở của Bộ Luật hình sự  năm 1999 có những hành vi trốn thuế, rửa tiền, phát hành hóa đơn trái phép… Để xử lý dứt điểm những hành vi phạm tội của các cá nhân, tổ chức, ông Thắng cho rằng, cần phải tăng cường lực lượng điều tra phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính không chỉ của ngành Tài chính mà cần sự phối hợp của lực lượng chuyên trách đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này.

Ngoài ra, các đại biểu tham gia hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp và thảo luận theo các nhóm vấn đề: Thực tiễn xử lý hình sự các vụ án trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm, thuế, tài chính - kế toán), những bài học rút ra; Những khó khăn vướng mắc khi áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự trong xử lý vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm, thuế, tài chính-kế toán); Định hướng sửa đổi luật hình sự: những hành vi hoặc nhóm hành vi trong lĩnh vực tài chính đã được quy định hình sự nay cần loại bỏ; Định hướng sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự: Bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán…

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự

Trong bài tham luận “Thực tiễn thi hành và định hướng kiến nghị hoàn thiện Bộ Luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực tài chính”, ông Đặng Công Khôi, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) kiến nghị, điều chỉnh định lượng trị giá tang vật làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm  hình sự theo hướng tăng lên so với hiện nay đối với tội buôn lậu tại Điều 153; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới tại Điều 154; Đề nghị xác định rõ hành vi vi phạm để phân biệt  giữa trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự và trường hợp vi phạm hành chính hoặc để phân biệt tội danh này với tội danh khác; Đề nghị tăng mức phạt tiền đói với tội buôn lậu tại Điều 153; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới tại Điều 154; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a)…

Trước đó, trong báo cáo Tổng kết thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 của Bộ Tài chính cũng đã đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự.

Theo đó, về thẩm quyền khởi tố, điều tra: Thứ nhất, đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tại các Điều 104 và Điều 111. Cụ thể, tại Điều 104 về Quyết định khởi tố vụ án hình sự, đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan quản lý thuế”, “cơ quan quản lý thị trường chứng khoán”; tại Điều 111 về Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan quản lý thuế”, “cơ quan quản lý thị trường chứng khoán…;

Thứ hai, đề nghị điều chỉnh tăng thời gian điều tra của cơ quan Hải quan;

Thứ ba, đề nghị quy định rõ trình tự, thủ tục trong hoạt động điều tra của cơ quan Hải quan;

Về tổ chức thực hiện, đề nghị bổ sung mới một Điều quy định tiêu chuẩn, tổ chức bộ máy điều tra của cơ quan Hải quan theo hướng quy định rõ tổ chức bộ máy điều tra trong cơ quan Hải quan theo hướng: Tại cơ quan Tổng cục hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu là đơn vị đầu mối của toàn ngành tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục, hướng dẫn Hải quan các địa phương và trực tiếp điều tra các vụ án hình sự.

Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoạt động điều tra các vụ án hình sự được giao cho Đội Kiểm soát hải quan tổ chức thực hiện; Đề nghị bổ sung mới một Điều về cơ chế phối hợp, chia thông tin giữa cơ quan điều tra với cơ quan Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… Theo hướng, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra, cơ quan Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… trong việc phối hợp, chia thông tin, trong đó khi cơ quan điều tra tiếp nhận các vụ án do cơ quan Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… khởi tố chuyển giao thì phải tiếp nhận và bảo quản toàn bộ tang vật, vật chứng, chứng cứ của vụ án theo đúng quy định và thông tin phản hồi cho cơ quan Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… về tiến độ giải quyết công việc của mình.

Kết luận Hội thảo, ông Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính kiến nghị các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các bộ, ngành chức làm rõ thêm một số vấn đề cần sửa đổi Bộ luật Hình sự trong thời gian tới như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong lĩnh vực tài chính; Ngưỡng xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự và sử lý hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực tài chính; Bổ sung làm rõ nội hàm của một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính; Xác định hậu quả đến truy cứu trách nhiệm hình sự; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Bổ sung thẩm quyền đối với cơ quan quản lý thuế, hải quan và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán; Bổ sung tội danh đối với hành vi gây lãng phí tiền, tài sản của nhà nước…