Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác cải cách hành chính

Việt Hoàng

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo diễn ra sáng ngày 9/3.

Tại phiên họp, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa tại các bộ, ngành, địa phương, thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đột phá; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của Đất nước. Các cấp, các ngành phải tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chủ trương này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách toàn diện, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác cải cách hành chính đã có sự đóng góp không nhỏ, nhờ sự hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính giúp giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều cố gắng với nhiều điểm sáng trong công tác cải cách hành chính năm 2021.

Thủ tướng nhận định, trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm, trong công tác cải cách hành chính còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, thách thức, nên phải tiếp tục thúc đẩy công tác này, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho tốt hơn.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, Thủ tướng đề nghị trước hết, phải nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính.

Với cơ quan, đơn vị, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính, thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào, bộ, ngành, địa phương nào thì cấp đó, bộ ngành, địa phương đó chủ động giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, kiên trì vì mục tiêu chung.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cải cách hành chính phải góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và của các cấp hành chính, các bộ, các ngành các địa phương nói riêng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhất là 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp.

Đồng thời, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa nâng cao năng lực hiệu quả, điều hành, xác định một việc chỉ giao một cơ quan, một người làm, chịu trách nhiệm và ai làm tốt nhất thì giao việc, không để trùng lắp nhiệm vụ, giảm khâu trung gian, làm tốt công tác xác định vị trí việc làm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…