Ngân hàng Thế giới cảnh báo: Việt Nam cần tránh lệ thuộc vào luồng vốn bên ngoài

Theo Vietnamnet

Tại cầu truyền hình công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á từ Tokyo, Nhật Bản sáng 10/12, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) Vikram Nehru khuyên các nền kinh tế phụ thuộc vào luồng vốn bên ngoài như VN cần thận trọng, tránh lệ thuộc để không gặp phải rủi ro.

GDP: Khoảng 6% hoặc hơn một chút

Theo cập nhật của WB, tăng trưởng ở tất cả các quốc gia Đông Á, ngoại trừ Malaysia và Indonesia, đều chậm lại trước khi cuộc khủng hoảng đạt đến đỉnh cao vào giữa tháng 9. Bất kể những nỗ lực kích cầu tại nhiều quốc gia, tốc độ mở rộng kinh tế vẫn được xác định là sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2009. Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm lại trong xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

"Quy mô quá lớn của cuộc khủng hoảng tài chính lần này đã lan đến mọi góc trên thế giới, kể cả các quốc gia quản lý tốt như Nhật Bản. Cách đây hai tuần, nhiều ngân hàng đã phải phá sản. Các cơ quan chính phủ điều tiết ngân hàng đã phải nhanh chóng đưa ra giải pháp để cải cách lại cơ cấu của họ. Tất cả đều rơi vào vòng xoáy khủng hoảng", ông Vikram Nehru nói. 

Nhận định về VN, chuyên gia kinh tế trưởng WB ở Đông Á cho rằng VN đã có giai đoạn phát triển kinh tế với tăng trưởng ngoạn mục, thậm chí bắt đầu tăng trưởng nóng. Trong bối cảnh khó khăn, VN đã có những biện pháp can thiệp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, bình ổn kinh tế.

Tại đầu cầu Hà Nội, quyền Giám đốc WB tại VN Martin Rama cho rằng tốc độ ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu của VN sẽ chậm hơn so với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh VN cần phản ứng linh hoạt, nhanh chóng trước những tác động xảy ra.

"Những gì xảy ra sau khủng hoảng đối với những nền kinh tế đang phát triển như VN có thể dự đoán được như sự suy giảm về tăng trưởng xuất khẩu, dòng vốn từ bên ngoài...", ông Martin Rama nói.

Đáng chú ý, Báo cáo cập nhật của WB dự kiến con số tăng trưởng GDP của VN năm 2009 trùng với con số dự kiến của Chính phủ đưa ra là khoảng 6.5%. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Martin Rama đưa ra con số linh hoạt hơn với mức tăng trưởng dự kiến đạt "khoảng 6% hoặc hơn một chút".  

Liên quan đến gói giải pháp của Chính phủ VN nhằm kích thích tiêu dùng và sản xuất, WB cho rằng có thể mức chi tiêu sẽ tăng. Theo các thảo luận hiện nay, mức chi tiêu bổ sung sẽ vào khoảng 1 tỷ USD, xấp xỉ 1% GDP của năm 2008.

Cơ hội cải cách hành chính

Chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB Ivailo Izvorski cho biết: "Rõ ràng sang năm, dòng kiều hối sẽ thấp hơn". Mặc dù vậy, WB cho rằng kiều hối vẫn có khả năng phục hồi hơn luồng vốn đầu tư. Nhìn tổng thể, WB dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ở khu vực Đông Á đang phát triển có khả năng giảm từ mức kỷ lục 10,5% năm 2007 xuống 8,5% năm nay và xuống còn 6,7% năm tới.

Chuyên gia kinh tế Vikram Nehru cũng khuyến nghị các nền kinh tế phụ thuộc vào luồng vốn bên ngoài như VN cần thận trọng, tránh sự lệ thuộc để không gặp phải rủi ro. Con số của WB cho biết năm 2006, luồng vốn bên ngoài đổ vào VN chiếm khoảng 30% GDP.

Về điều hành tiền tệ của VN, WB cho rằng lãi suất thấp hơn có thể khiến áp lực của người đi vay trở nên nhẹ nhàng hơn khi các khoản tín dụng cũ được gia hạn. Tuy nhiên, WB cho rằng chất lượng các tài sản ngân hàng có thể sẽ suy giảm trong năm sau.

WB cũng dự kiến thâm hụt tài khoản vãng lai có thể tăng từ 10% GDP năm 2007 lên 13% GDP năm 2008 trước khi sút giảm vào năm 2009.

Theo quyền Giám đốc WB tại VN Martin Rama, quan trọng nhất là VN phải "tranh thủ cơ hội thực hiện cải cách tài chính".