Ngành Hải quan quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm 30% bộ thủ tục hành chính: Những kết quả bước đầu

Trần Văn Lộc Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan

(TCTC Online) Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung về cải cách thủ tục hành chính.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung về cải cách thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, thủ tục hành chính được hiểu là một phạm vi khá rộng. Để thực hiện cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực hải quan, ngành Hải quan phải thực hiện nhiều chương trình, nội dung cơ bản, mang tính riêng biệt nhưng vẫn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, ví dụ: chương trình, nội dung về cải cách, hiện đại hoá hải quan, mở rộng phạm vi thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở 10 Cục Hải quan tỉnh, thành phố; chương trình, nội dung về việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; chương trình, nội dung về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng về Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong ngành Hải quan, thời gian qua, Tổng cục tích cực triển khai và đã hoàn thành tốt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngành đã thực hiện thống kê đầy đủ các thủ tục hành chính về hải quan trong giai đoạn 1 (bao gồm 239 thủ tục hành chính) và hoàn thành các nội dung cơ bản của việc rà soát các thủ tục hành chính giai đoạn 2.

Để triển khai thực hiện thống kê, rà soát các thủ tục hành chính trong 2 giai đoạn nói trên, Tổng cục Hải quan một mặt chủ động tổ chức hướng dẫn, thống nhất cách thức, phương pháp thống kê, rà soát cho cán bộ, công chức các đơn vị được phân công, mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Bộ Tài chính, Tổ công tác chuyên trách thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo công tác thống kê, rà soát thủ tục hành chính đáp ứng đúng chủ trương, yêu cầu, mục tiêu Đề án 30 đặt ra.

Do thực hiện tốt công tác thống kê các thủ tục hành chính trong giai đoạn 1, Tổng cục Hải đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính biểu dương, khen thưởng. Một số cán bộ, công chức và đơn vị trong Ngành đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng thưởng giấy khen, bằng khen.

Thuận lợi và khó khăn

Trong giai đoạn 1 của Đề án, việc thống kê lập danh mục các thủ tục hành chính, các mẫu đơn, mẫu tờ khai có liên quan đến thủ tục hành chính theo Biểu mẫu 1 và tổ chức, triển khai rà soát bộ thủ tục hành chính giai đoạn 2 theo Biểu mẫu 2, 2a và 2b có nhiều thuận lợi và cũng nảy sinh một số khó khăn, thách thức nhất định.

Về thuận lợi, trong những năm qua và hiện nay, cùng với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Hải quan đã và đang thực hiện cải cách, hiện đại hóa hải quan theo Quyết định 810/QĐ-BTC và Quyết định 456/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Đồng thời, hiện nay ngành Hải quan đang được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ triển khai thực hiện “Dự án Hiện đại hóa hải quan” đến 2010. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 30, Tổng cục Hải quan nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Bộ Tài chính ngay trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện. Đó là các công việc cụ thể như tổ chức giới thiệu nội dung tổng quan của Đề án 30 tại một số đơn vị trọng điểm, tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện giải đáp vướng mắc về thống kê, rà soát thủ tục hành chính; tham gia các đoàn công tác trực tiếp khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn việc thống kê, rà soát thủ tục hành chính tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố; thường xuyên hỗ trợ, phối hợp công tác nghiệp vụ, kỹ thuật thống kê thủ tục hành chính, tập huấn công tác rà soát thủ tục hành chính, v.v… Lãnh đạo các cấp trong Ngành đã có sự nhận thức đúng đắn, rõ ràng về mục tiêu, yêu cầu của Đề án, xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Lãnh đạo Tổng cục thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời về nội dung thực hiện, tiến độ thực hiện Đề án của nhóm chuyên môn nói riêng và của toàn Ngành nói chung.

Đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị là những người đã và đang trực tiếp phụ trách hoặc trực tiếp triển khai công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan, cải cách thủ tục hành chính, do đó, kế thừa được nhiều kinh nghiệm triển khai thực hiện. Hầu hết, cán bộ, công chức tham gia đề án là những người có tâm huyết, có trình độ kinh nghiệm chuyên sâu, kế thừa được kết quả từ việc thực hiện các nội dung về Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan và Dự án hiện đại hóa hải quan…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án 30, ngành Hải quan cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. Giống như các lĩnh vực quản lý khác của Nhà nước, đây là lần đầu tiên ngành Hải quan thực hiện hệ thống hoá, rà soát các thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực hải quan, các thủ tục hành chính có số lượng lớn, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp lý khác nhau, có độ phức tạp cao. Như chúng ta đã biết, nhiều chuẩn mực quốc tế về hải quan đã được các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xem xét, từng bước nội luật hoá đưa vào hệ thống văn bản pháp luật pháp luật hải quan. Các chuẩn mực đó cũng chính là một trong những nội dung được quy định trong các thủ tục hành chính. Các tiêu chuẩn, tập quán quốc tế, có liên quan đến hoạt động hải quan, như Công ước Kyoto sửa đổi (các chuẩn mực và chuẩn mực chuyển tiếp của Phụ lục tổng quát) và các công cụ khác của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Các Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến xác định trị giá, bảo hộ, chống phá giá và đối kháng, hạn chế các biện pháp phi quan thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các Hiệp định tự do thương mại khu vực, đa phương và song phương, v.v... Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá liên quan đến yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ngành Hải quan đã chủ động thực hiện một số thủ tục hành chính có liên quan; ví dụ thủ tục thu hẹp hoặc mở rộng danh mục hàng hoá hoặc (và) phạm vi yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào của cấp có thẩm quyền quy định cụ thể về vấn đề này. Mặt khác, Đề án 30 trong lĩnh vực hải quan được thực hiện ở cả 3 cấp quản lý (Tổng cục, Cục và Chi cục), việc triển khai thực hiện theo nhiều bước, nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại đặt ra những yêu cầu, mục tiêu khác nhau. Do vậy, việc triển khai thực hiện Đề án 30 tại Tổng cục Hải quan có khó khăn nhất định. Trong nhiều trường hợp, khi thực hiện Đề án, cán bộ công chức và các đơn vị phải vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm…

Giải pháp khắc phục

Để triển khai có kết quả Đề án 30 theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện tại và thời gian tiếp theo, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn thông qua một số biện pháp chủ yếu như: tiếp tục tuyên truyền, làm rõ ý nghĩa, tác dụng của Đề án 30 đối với công tác quản lý hải quan trong tình hình hiện nay và các giai đoạn cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan trong giai đoạn tiếp theo; tăng cường, đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra việc thống kê, rà soát thủ tục hành chính; kiện toàn lại Tổ công tác thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong toàn Ngành để nâng cao hiệu quả việc tổ chức đánh giá các báo cáo, thủ tục hành chính được rà soát do các đơn vị được phân công báo cáo. Kết thúc mỗi bước, mỗi giai đoạn, thực hiện tốt việc khen thưởng đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp thiếu trách nhiệm, cản trở việc thực hiện nội dung của Đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm của cá nhân, đơn vị phải gắn kết với việc xem xét hiệu quả của việc thực hiện nội dung Đề án. Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công khai bộ thủ tục hành chính đã được thống kê, rà soát trên các phương tiên thông tin đại chúng như: Báo Hải quan, Website Hải quan… để cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân "chung tay" góp ý kiến cải cách bộ thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm phiền hà, tiêu cực. Dù khó khăn đến đâu, cán bộ, công chức ngành Hải quan cũng phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo kế hoạch, Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn tất vào ngày 31/12/2010. Tôi cho rằng, về lâu dài, vấn đề cải cách thủ tục hành chính sẽ còn phải tiếp tục thực hiện. Mục tiêu thì không thay đổi,  tuy nhiên, các bước đi, cách làm và lộ trình thực hiện sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Thủ tục hành chính luôn luôn gắn liền với công tác quản lý hành chính của nhà nước. Đối với một nhà nước đang phát triển thì các nội dung của quản lý nhà nước luôn thay đổi là điều tất yếu và nó cũng đồng nghĩa với việc phát sinh các thủ tục hành chính mới. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan Hải quan, sẽ không ngừng cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo phục vụ lợi ích quản lý nhà nước, lợi ích của tổ chức, cá nhân và của nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một nội dung hết sức quan trọng của ngành Hải quan. Hiện nay, Ngành đã và đang thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, cung cấp thông tin về pháp luật hải quan, ngày 17-10-2007 Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành Quyết định số 1915/QĐ-TCHQ ban hành Quy chế tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế. Việc tuyên truyền, phổ biến bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được thống kê, rà soát là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngành Hải quan trong thời gian hiện nay và trong những năm tiếp theo. Tổng cục Hải quan đã đăng tải công khai trên Báo Hải quan và website Hải quan 239 thủ tục đã được thống kê, rà soát; chỉ đạo các đơn vị Hải quan địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có Trụ sở cơ quan Hải quan để cung cấp, công khai hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan tại các Website Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; đăng bộ thủ tục hành chính lên website Cục Hải quan tỉnh, thành phố; công khai, phổ biến bộ thủ tục hành chính đang thực hiện tại địa bàn quản lý của đơn vị tại nơi làm thủ tục hải quan, v.v…

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về bộ thủ tục hành chính quốc gia, trong đó có bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực hải quan. Bộ thủ tục hành chính quốc gia được cập nhật, bổ sung thường xuyên theo thủ tục quy định. Đồng thời, Chính phủ dự kiến thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý công tác cải cách thủ tục hành chính. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, cũng như cập nhật bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng sẽ được Tổng cục Hải quan quản lý, cập nhật thường xuyên theo quy định của pháp luật. Hiện nay và trong giai đoạn tới, với vị trí là đơn vị được Bộ Tài chính phân công, giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo thẩm quyền của Bộ Tài chính hoặc được Bộ Tài chính ủy quyền soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, trình cấp trên ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ kiểm soát việc quy định các thủ tục hành chính ngay trong các Dự thảo để đảm bảo các thủ tục này đơn giản, rõ ràng, minh bạch hoá, giảm thiểu tối đa các chứng từ, các bước làm thủ tục, thời gian làm thủ tục hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tổ chức, cá nhân./.