Ngành nông nghiệp đã có nhiều sáng kiến kịp thời trong đại dịch

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn

Mở rộng tiêu thụ nông sản trên sàn điện tử, thành lập các tổ công tác đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, xây dựng các gói combo nông sản hợp lý, kết nối 63 tỉnh, thành phố với hơn 200 doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản… là những sáng kiến đã đạt hiệu quả rất cao của Bộ NN&PTNT trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh thời gian qua.

Các diễn giả tại Tọa đàm cho rằng nếu có chiến lược phát triển nông nghiệp hiệu quả thì kinh tế nông nghiệp sẽ khởi sắc trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Các diễn giả tại Tọa đàm cho rằng nếu có chiến lược phát triển nông nghiệp hiệu quả thì kinh tế nông nghiệp sẽ khởi sắc trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Đây là nhận định của các diễn giả tham dự Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch COVID-19", do báo Nông thôn ngày nay tổ chức chiều 11/11.

Tại Tọa đàm, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhìn nhận, việc kịp thời đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã giúp lưu thông nông sản, tránh ùn ứ; đồng thời giúp người sản xuất tiếp cận nhanh được công nghệ và nắm bắt tín hiệu thị trường tốt hơn.

Các tổ công tác phía nam (gọi tắt là tổ công tác 970), tổ công tác phía bắc (tổ công tác 3430) của Bộ NN&PTNT được thành lập đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

Các tổ công tác hiện vẫn phát huy vai trò kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các phiên giao dịch nông sản cuối tuần. Những phiên giao dịch này không chỉ đơn thuần kết nối cung-cầu mà còn cập nhật kịp thời các vấn đề về chính sách mà địa phương và doanh nghiệp nêu lên để Bộ NN&PTNT nắm bắt và xử lý.

Một sáng tạo của Bộ NN&PTNT trong mùa dịch được ông Thuỷ nhắc tới đó là hình thức combo nông sản 10 kg đồng giá. Tính thuận tiện, minh bạch xuất xứ đã giúp hình thức tiêu thụ này được đón nhận nhiệt tình, nhất là tại TPHCM những tháng qua.

Tham dự Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nêu những thách thức của ngành chăn nuôi thời gian qua. Ông Trọng nhấn mạnh: “Gần đây ngành chăn nuôi chịu rất nhiều thách thức lớn, điển hình như trận bão giá năm 2017, dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, đặc biệt 2 năm nay, dịch COVID-19 diễn ra toàn thế giới… khiến chuỗi sản xuất của ngành bị đứt gãy hàng loạt, đầu vào  thức ăn tăng cao, giá sản phẩm giảm. Tuy nhiên ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển từ 4-6%, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu”.

Ông Trọng cho biết thêm, năm nay ước tính sản lượng thịt sẽ đạt 6,2 triệu tấn; sản lượng sữa là 1,2 triệu tấn… "Hiện tại, dù xuất khẩu sụt giảm, giá trị xuất khẩu không cao nhưng chúng ta vẫn đang duy trì được, đây là sự cố gắng rất lớn của ngành chăn nuôi trong điều kiện khó khăn này”.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam, doanh nghiệp đã duy trì được việc xuất khẩu vải thiều tại Bắc Giang và Hải Dương trong đợt dịch vừa qua, cho biết, nhờ sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương việc kinh doanh của công ty vẫn đạt được hiệu quả khả quan.

Ông Tiến dẫn chứng: “Có những lúc xe hàng không lưu thông được, chúng tôi thông báo cho các Phó Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở NN&PTNT vào lúc 12h đêm và được khẩn trương giải quyết. Đây thực sự là nguồn động viên rất lớn với doanh nghiệp.

Tôi khẳng định, nếu không có sự kết nối với chính quyền địa phương thì doanh nghiệp không thể vượt qua được. Ngay cả khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoặc trường hợp các chủ vườn là F0, F1… thì chúng tôi vẫn có đội ngũ thu gom là người địa phương giúp thu gom và vận chuyển hàng đúng thời gian, địa điểm”.

Tại Tọa đàm, vấn đề nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng là ngành chịu nhiều tổn thương, rủi ro và đầu tư ít cũng được đưa ra thảo luận. Các diễn giả cho rằng, phát triển nông nghiệp hiện nay chưa gắn với chiến lược vùng; người sản xuất, chế biến vẫn khó tiếp cận vốn từ ngân hàng vì hàng rào kỹ thuật cho vay còn khá phức tạp.

Cùng với đó, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn tồn tại tư duy nhiệm kỳ nên chưa có chiến lược đầu tư cho nông nghiệp… Những nút thắt này, nếu được gỡ dần, cùng với vai trò nông nghiệp đã được minh chứng thời gian qua, sẽ tạo đà cho một nền kinh tế nông nghiệp thực sự phát triển.