Ngành Tài chính đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại


Sáng ngày 29/5/2020, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 với chủ đề: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức, viên chức ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tham dự và chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị tại đầu cầu trung tâm - Trụ sở Bộ Tài chính có ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ; đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước; đại điện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính. Hội nghị còn có sự tham gia của đại điện các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan tài chính tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tích cực triển khai đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành Tài chính thời gian qua luôn linh hoạt, phù hợp với từng nội dung, đối tượng; phương thức đạo tạo được kết hợp giữa đào tạo truyền thống, đào tạo trực tuyến; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các địa phương.

Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục ngành Tài chính đã đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho 320 lượt cán bộ, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch 318 lượt cán bộ, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo 319 lượt, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho 517 lượt cán bộ... đáp ứng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng.

Ông Đỗ Văn Trường - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho biết, việc triển khai thí điểm đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của giảng viên và học viên tham dự.

Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đã góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội; đáp ứng nhu cầu đào tạo kịp thời; quản lý giảng viên về nhiều mặt và thuận tiện hơn học truyền thống; đảm bảo cho học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống kho học liệu cung cấp trong kho dữ liệu điện toán đám mây, các bản ghi hình toàn bộ các buổi học được lưu trữ để học viên tự do khai thác...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải luôn luôn “lấy người học là trung tâm” và thực hiện tốt “04 hiệu quả”: Đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả; Giảng dạy hiệu quả; Học tập hiệu quả; Phục vụ hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Đánh giá cao những kết quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính, ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình, cơ chế tài chính cho đào tạo, bồi dưỡng...

Đẩy mạnh triển khai các hình thức đào tạo, bồi dưỡng hiện đại

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao và biểu dương kết quả công tác đào tạo bồi dưỡng thời gian qua của ngành Tài chính đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo Thứ trưởng, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành thời gian qua đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, xây dựng được nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức, chương trình.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Theo Thứ trưởng, bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi ngành Tài chính cần nỗ lực cải cách, đổi mới hơn nữa, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị ngành Tài chính tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Một là, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ của ngành Tài chính, nắm bắt kịp thời những chính sách mới để đưa vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của Ngành.

Hai là, tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu để triển khai các hình thức đào tạo, bồi dưỡng hiện đại, tiện dụng; đào tạo từ xa, trực tuyến ở nhiều cấp độ khác nhau. Nội dung đào tạo phải thực sự hấp dẫn, thiết thực và phù hợp với người tham gia.

Ba là, cần phải đưa ra các giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức ngành Tài chính. Trong đó, đổi mới cơ chế phân cấp, phân công, phối hợp trong xây dựng nội dung chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; công tác lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm; quy trình xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng...

Bốn là, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, biên chức theo đúng định hướng, chủ trương của Nhà nước và của Bộ Tài chính; Xây dựng cơ chế, chính sách để tuyển chọn đội ngũ giảng dạy, báo cáo viên có chất lượng cao; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học; Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm...

Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải luôn luôn “lấy người học là trung tâm” và thực hiện tốt “04 hiệu quả”: Đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả; Giảng dạy hiệu quả; Học tập hiệu quả; Phục vụ hiệu quả.

"Nếu thực hiện được các tiêu chí này, tôi tin tưởng rằng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong năm 2020 và các năm tiếp theo sẽ mang lại hiệu quả cho bản thân người học, đơn vị cử người đi đào tạo, bồi dưỡng và uy tín của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc Bộ Tài chính ngày càng được nâng cao và trở thành địa chỉ đáng tin cậy về công tác đào tạo, bồi dưỡng." - Thứ trưởng tin tưởng.