Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử 24/7 trong lĩnh vực thuế


Đây là đề xuất tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành và người dân. Dự thảo thông tư gồm 5 chương, 53 điều, kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định và không có vướng mắc tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC; Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.

Cụ thể, Dự thảo nêu rõ, để thực hiện giao dịch thuế điện tử người nộp thuế có thể lựa chọn giao dịch thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Ngoài ra, người nộp thuế có thể lựa chọn hình thức nộp thuế điện tử thông qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải đảm bảo các điều kiện sau:

Thứ nhất, có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, trừ một số trường hợp như người nộp thuế là cá nhân đã có mã số thuế chưa được cấp chứng thư số.

Thứ hai, người nộp thuế cần có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet, có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế…

Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, dự thảo nêu rõ, người nộp thuế khi thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế được sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử do cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi thực hiện giao dịch điện tử qua Cổng thông tin giao dịch thuế điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử; tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử đã gửi đến cơ quan thuế và các thông báo, quyết định cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định; cơ quan thuế hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Người nộp thuế khi thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế cần phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết sai sót hoặc sự cố phát sinh (nếu có) trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế;

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin của giao dịch điện tử phát sinh từ tài khoản giao dịch thuế điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bao gồm cả tài khoản chính và tài khoản phụ)…

Dự thảo thông tư cũng bổ sung trách nhiệm của cơ quan thuế trong tiếp nhận thông tin từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống kết nối, trao đổi thông tin với cổng thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...