Nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam


Phát triển bền vững đang là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu và là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam.
Nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam.

Một trong những vấn đề đặt ra là muốn phát triển bền vững, đòi hỏi cần phải có nguồn lực tài chính. Những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng đến việc huy động, đầu tư nguồn lực tài chính cho tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên so với thực tiễn yêu cầu, cần tiếp tục có nhiều hơn nữa các giải pháp về nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phát triển bền vững và nguồn lực tài chính

Về phát triển bền vững

Phát triển bền vững là khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới, với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".

Về nguồn lực tài chính

Xét trên khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính được hiểu là các nguồn tiền tệ (hoặc tài sản có thể nhanh chóng chuyển thành tiền) trong nền kinh tế có thể huy động, để hình thành nên các quỹ tiền tệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn lực tài chính được huy động sẽ cho phép hình thành nguồn vốn lớn đầu tư cho các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng – yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững tại Việt Nam

Phát triển bền vững tại Việt Nam

Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh, chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường…

Nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, một trong những vấn đề quyết định là nguồn lực tài chính. Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách huy động vốn đầu tư cho phát triển bền vững.

Nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1

Huy động nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN tiếp tục được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đối tượng thu nộp ngân sách. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp để phát triển đồng bộ các thị trường như: Thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, bất động sản được triển khai mạnh mẽ. Nguồn lực tài chính nước ngoài được phát huy... qua đó, khai thác và thu hút đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, quy mô và cơ cấu thu NSNN có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 24 - 25% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 23,4% GDP và cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20 - 21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5% GDP). Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt khoảng 21% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 23,4% và giai đoạn 2006 - 2010 là 24,8%. Điều này phù hợp với chủ trương giảm huy động ngân sách từ nền kinh tế, tạo nguồn lực cho DN phát triển sản xuất - kinh doanh. Cơ cấu thu NSNN có một số chuyển biến tích cực như: Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt 80% (giai đoạn 2006 - 2010 đạt 58%; giai đoạn 2011 - 2015 là 68%)…

Kết quả thu ngân sách có sự chuyển dịch khá lớn về số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang khu vực DN ngoài quốc doanh và DN FDI, phù hợp với mục tiêu định hướng sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay trong nước đóng vai trò quan trọng, đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu cân đối NSNN và đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục và các chương trình mục tiêu quan trọng của theo Nghị quyết của Quốc hội trong từng giai đoạn. Tổng số vốn vay của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 1.086 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay trong nước chiếm khoảng 78% và vay nước ngoài khoảng 22%. Phát hành trái phiếu chính phủ chiếm 85% tổng khối lượng huy động vốn vay trong nước của Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng để bù đắp thiếu hụt ngân sách, hỗ trợ vốn cho đầu tư phát triển, tạo công cụ phát triển thị trường vốn và điều hành thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong giai đoạn này tập trung vào vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ, chủ yếu là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản... Trên 98% vốn vay công được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội đồng bộ, thay đổi cơ bản về năng lực của các hệ thống này ở cấp quốc gia, vùng và lãnh thổ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn lực tài chính thông qua xã hội hóa các dịch vụ công đã phát huy hiệu quả cao khi các chính sách khuyến khích xã hội hóa tập trung vào 7 lĩnh vực như: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường; giám định tư pháp, trong đó xã hội hóa giáo dục - đào tạo và y tế diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước. Những năm gần đây, các DN đầu tư mạnh vào hoạt động giáo dục - đào tạo với 5,1 nghìn cơ sở, tăng 81%. Chưa kể khu vực cá thể, tổng số cơ sở giáo dục thuộc khối DN và đơn vị sự nghiệp là 51,1 nghìn cơ sở và thu hút 1,86 triệu lao động, tăng tương ứng 7,6% và 14% so với năm 2012. Giai đoạn 2012 - 2017, các DN đã đầu tư khá nhiều vào hoạt động y tế với tổng số 1.523 cơ sở khám chữa bệnh, chẩn đoán và dịch vụ y tế khác, tăng 74% so với năm 2012, chưa kể các cơ sở cá thể hoạt động khám chữa bệnh có quy mô nhỏ, tổng số cơ sở khám chữa bệnh thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp và DN là 15,2 nghìn cơ sở, tăng 3,6%, trong đó có 1.131 bệnh viện, tăng 6%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2011- 2018 tăng từ 15,6 tỷ USD lên 35,5 tỷ USD, bình quân mỗi năm Việt Nam thu hút khoảng 22 tỷ USD phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm. Bên cạnh đó, vốn giải ngân cũng có xu hướng tăng, từ 11 tỷ USD năm 2011 lên trên 19 tỷ USD năm 2018. Tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn thực hiện ước bình quân năm đạt trên 50% tổng vốn đăng ký, qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một số giải pháp tài chính cho phát triển bền vững

Nhằm phát huy nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; Phát triển thị trường trái phiếu; Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA; Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ tài sản công, từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ thúc đẩy phát triển DN, qua đó góp phần tạo nguồn thu cho NSNN để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu NSNN, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý của NSNN; Mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy đầu tư. Hệ thống chính sách ưu đãi thuế cần tiếp tục được đơn giản hóa thông qua việc rà soát lại các ưu đãi, thu hẹp các phạm vi, lĩnh vực, ngành nghề, tránh ưu đãi dàn trải.

Đồng thời, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trái phiếu mới; đẩy mạnh việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường chứng khoán, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động thị trường. Tiếp tục hoàn thiện, tập trung vào khu vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường. nguồn kiều hối cần được đẩy mạnh; đa dạng hóa các công cụ đầu tư tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ hai, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Hoàn thiện và điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI vào khu vực công nghiệp chế biến, lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường. Rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng...

Trong chính sách thu hút vốn FDI cần tiếp tục được hoàn thiện, tập trung vào khu vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh đa dạng hóa các công cụ đầu tư tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, cần có cơ chế chính sách giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các nhóm giải pháp chủ đạo gồm: Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững; Nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài; Phát triển đồng bộ thị trường tài chính...

Thứ tư, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố tiền đề là khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, Báo cáo Hội nghị tổng kết ngành Tài chính các năm từ 2006-2018;
2. Bộ Tài chính, Quyết toán ngân sách các năm (truy cập từ www.mof.gov.vn);
3. Nguyễn Thị Hải Bình (2018), Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn/su-kiennoi-bat/huy-dong-va-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-tai-chinh-cho-phattrien-
kinh-te-xa-hoi-viet-nam-305958.html;
4. Trần Thị Tố Linh, Vai trò của nguồn lực tài chính đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. https://ditiep.com/vai-tro-cua-nguon-luc-tai-chinh-doi-voi-su-phattrien-kinh-te-xa-hoi.