Nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt

PV.

Thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt là cần thiết và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhiều năm qua.

Có nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thu thuế TTĐB đối với nước ngọt. Nguồn: internet
Có nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thu thuế TTĐB đối với nước ngọt. Nguồn: internet

Đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nâng cao sức khỏe Victoria của Úc, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng tăng cân, béo phì, ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ như: các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, ung thư…

Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì hiện chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015; Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).

Trên thực tế, để hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có đường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thu thuế TTĐB đối với nước ngọt như: Pháp thu thuế TTĐB đối với nước giải khát không cồn (trừ sirô, nước ép trái cây, nước ép rau, nước trái cây) với mức thuế tuyệt đối 0,72 euro/lít; Achentina thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga với mức thuế suất 8,7%; tại Mỹ, có 23 bang thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga và nước ngọt khác với mức thuế suất từ 1% đến 8%...

Trong khu vực ASEAN, Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc, nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc; Lào thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn với mức thuế suất 5% và nước tăng lực với mức thuế suất 10%; Campuchia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt 10%.

Ba quốc gia khác trong ASEAN cũng dự kiến áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt gồm: Myanmar dự kiến thu thuế TTĐB thuế suất 5%; Philippin dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 10 Peso/lít; Indonesia dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 3.000Rupi/lít nước ngọt có ga.

Do vậy, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa  và các sản phẩm sữa) vào đối tượng chịu thuế TTĐB và đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% cho mặt hàng nước ngọt, thời gian áp dụng từ năm 2019.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc dùng thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng cũng như hạn chế tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có hại cho sức khỏe, trong đó có nước ngọt là việc làm cần thiết. Luật sư Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Tâm nhận định, việc đưa nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB là phù hợp, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp nhằm đảm bảo sức khoẻ bản thân.

Theo bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB là phù hợp để hạn chế tiêu dùng mặt hàng không có lợi cho sức khoẻ. Những điều chỉnh này đáp ứng 3 mục đích là điều tiết tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe  cho người dân, phù hợp với xu hướng chung của các nước và đảm bảo chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Bà Mai Liên cũng lưu ý, việc áp dụng mức thuế TTĐB có tác động đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Do đó, khi áp dụng cần có sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bên liên quan để chính sách thật sự phát huy hiệu quả.