Nhiều ý kiến nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường

Ngọc Huyền

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) do Bộ Tài chính soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi nhận được sự quan tâm của xã hội. Đa số các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều nhất trí với nội dung Dự thảo.

Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Nguồn: internet
Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Nguồn: internet

Ngày 28/2/2018, Chính phủ đã có Tờ trình số 43/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết về biểu thuế BVMT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2018.

Theo đó, để kịp xây dựng dự án Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết và có Công văn số 2028/BTC-CST ngày 13/2/2018 gửi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, doanh nghiệp, đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 60 ý kiến tham gia; Trong đó, có 14 ý kiến tham gia của các bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

Bộ Tài chính cho hiết, hầu hết các ý kiến trên đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết với 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn.

Trong đó, nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần trong khung 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; Nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn trong khung thuế).

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần có lộ trình tăng mức thuế BVMT đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân. Lý giải về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo Nghị quyết, trong đó có mặt hàng xăng dầu (điều chỉnh tăng 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng) là mức điều chỉnh nằm trong khung mức thuế BVMT.

Mức điều chỉnh trên cũng phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế BVMT cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT như trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15% (theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 thì CPI ở mức 4%).

Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; Góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, góp phần giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền với BVMT và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.