Phải chấm dứt đầu tư dàn trải!

Theo daibieunhandan.vn

Khai thác nguồn lực tăng vốn đầu tư công để góp phần phục hồi kinh tế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này có vẻ đã được Chính phủ lựa chọn. Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chính phủ cho biết nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 là 611,3 nghìn tỷ đồng. Số vốn ngân sách dự kiến cân đối được là 521,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2021 và đáp ứng được 86% nhu cầu vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chính phủ cho biết nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 là 611,3 nghìn tỷ đồng. Số vốn ngân sách dự kiến cân đối được là 521,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2021 và đáp ứng được 86% nhu cầu vốn.

Tuy nhiên, đi sâu vào dự kiến kế hoạch vốn của Chính phủ sẽ thấy một số vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, Chính phủ đề xuất vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 222 nghìn tỷ đồng (bằng kế hoạch năm 2021), vốn ngân sách địa phương là 304,1 nghìn tỷ đồng (tăng 19,1%). Duy trì mức vốn ngân sách Trung ương tương đương năm ngoái là điều đáng băn khoăn, nhất là khi thu ngân sách năm tới vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và dự toán nhiều khoản thu ngân sách Trung ương sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hơn nữa, kết quả giải ngân vốn đầu tư công những năm qua đều không cao. Ước giải ngân năm nay chỉ đạt 76% kế hoạch Quốc hội quyết định, trong đó vốn ngân sách Trung ương chỉ đạt 65,1%. Một chi tiết đáng chú ý nữa đó là Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, một số bộ, cơ quan xây dựng dự toán năm 2022 cao hơn nhiều so với ước thực hiện năm 2021 và chưa thuyết minh được tính cấp bách của các dự án khởi công mới.

Thứ hai, Chính phủ dự kiến bố trí vốn ngân sách Trung ương cho trên 2.600 dự án (gồm cả nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư). Cụ thể, trên 880 dự án chuyển tiếp được bố trí 51.000 tỷ đồng; trên 700 dự án khởi công mới được bố trí 29.000 tỷ đồng; số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022 khoảng 520 dự án.

Đi vào danh mục dự án cụ thể sẽ cảm nhận rõ việc bố trí vốn còn dàn trải, thiếu tập trung. Chẳng hạn, một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước năm kế hoạch nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Ví dụ, dự án di dân tái định cư Trường bắn Quốc gia khu vực 1 tỉnh Bắc Giang được bố trí vốn ngân sách Trung ương trung hạn 398 tỷ đồng; năm 2021 không bố trí vốn, năm 2022 bố trí 199 tỷ đồng thu hồi vốn ứng trước. Hay dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương, kế hoạch trung hạn bố trí 4.210 tỷ đồng, năm 2021 và 2022 bố trí thu hồi vốn ứng trước 2.762 tỷ đồng.

Cùng với đó, số dự án khởi công mới khá lớn, trong khi nhiều dự án được bố trí vốn với tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt một vài phần trăm so với tổng mức đầu tư. Điển hình là một số dự án của Bộ Giao thông Vận tải: Dự án cải  tạo  nâng  cấp  đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội  - TP. Hồ Chí Minh được bố trí 12,12/808 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh bố trí 15,2/1.020 tỷ đồng; Dự án Hòa Liên - Túy Loan bố trí 60/1.785 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc bố trí 5/333 tỷ đồng… 

Bố trí vốn như vậy một mặt làm phân tán nguồn lực, mặt khác, việc khởi công mới nhiều dự án với mức vốn bố trí thấp sẽ gây áp lực bố trí vốn các năm sau, khó tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công về thời gian hoàn thành dự án.

Tăng cường đầu tư công có thể là phản ứng chính sách phù hợp để đưa nền kinh tế nước ta sớm hồi phục sau cú sốc COVID, bởi vừa giúp tăng tổng cầu, vừa giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp đang đặt ra hết sức cấp bách.

Tuy nhiên, đó phải là sự đầu tư hiệu quả. Đặc biệt, trong lúc ngân sách quốc gia hết sức khó khăn và eo hẹp, vấn đề lập dự toán thận trọng và chấp hành đúng dự toán càng phải được đặt ra. Hậu quả của đầu tư công dàn trải - cuối cùng thì doanh nghiệp, người lao động phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 

Vì vậy, Chính phủ cần rà soát kỹ dự kiến tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm tới; bảo đảm tuân thủ các điều kiện phân bổ vốn cho các dự án cụ thể theo Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chấm dứt đầu tư dàn trải.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cam kết chịu trách nhiệm về khả năng giải ngân hết số vốn kế hoạch để không ảnh hưởng đến việc huy động vốn của nền kinh tế, không làm tăng gánh nặng nợ ngân sách, tránh gây thất thoát, lãng phí ngay từ khâu lập kế hoạch.