Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm hành chính về chăn nuôi


Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi đang được xin ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là rất cần thiết.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 49 điều. Trong đó nêu rõ hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về giống vật nuôi, về thức ăn chăn nuôi, về điều kiện chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, về nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính.

Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

Cụ thể, mức phạt tối đa được đề xuất từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án. Đây là mức phạt được đề xuất đối với cá nhân có hành vi vi phạm, tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chăn nuôi năm 2018 (số 32/2018/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.

So với các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi đã được ban hành, Luật Chăn nuôi đã có những thay đổi cơ bản về phương thức quản lý theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động về lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi… Do đó, các hành vi được xác định là hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi có sự thay đổi, cần thiết phải có quy định mới phù hợp với Luật Chăn nuôi và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Sự ra đời của Luật Chăn nuôi đã đánh dấu một bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và phát triển bền vững chăn nuôi Việt Nam hướng tới sản xuất hàng hóa, theo chuỗi khép kín nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đồng thời, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi.