Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn tất 06 nội dung đề ra

Việt Hoàng

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đến trưa ngày 12/7/2022, Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc, hoàn thành các nội dung đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 13, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, 06 nội dung đề ra đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, đạt được sự thống nhất và đồng thuận cao.

Cụ thể, Phiên họp đã xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 06/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 05/2022); Xem xét dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; Tổng kết Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Cho ý kiến về báo cáo kết quả khảo sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đối với các Nghị quyết được Ủy ban Thường Quốc hội biểu quyết thông qua, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, sớm trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành để sớm đưa vào thực thi.

Đối với Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trình Chủ tịch Quốc hội ký trong tuần này để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ sở pháp lý triển khai dự án hết sức quan trọng.

Đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan sớm chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký.

Về Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với chủ trương và nội dung chính của dự thảo Nghị quyết này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp tục chỉ đạo và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết để ban hành trong tháng 7/2022.

Trên cơ sở thành công rất tốt đẹp của Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải chuẩn bị sớm ngay từ bây giờ cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 4 sẽ có 7 dự án luật được thông qua, 6 dự án luật cho ý kiến lần đầu, trong đó có dự án Luật về Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi)... Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động lấy ý kiến các cơ quan, báo cáo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nghiên cứu xây dựng chi tiết chương trình của Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các tháng 8, 9, 10; trong đó, có thể bố trí các phiên họp chuyên đề, với tinh thần linh hoạt, không chờ đến kỳ mới tổ chức họp. Các nội dung liên quan đến đề án, nghị quyết do các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị có thể bố trí họp sớm; các dự án luật chuẩn bị sớm có thể tổ chức phiên họp về công tác xây dựng pháp luật ngoài phiên họp thường kỳ, tránh tình trạng một phiên họp kéo dài và chia thành nhiều đợt.

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng ngày 12/7/2022, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2022 và bế mạc vào ngày 18/11/2022. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dự kiến họp tập trung cả kỳ trong 22 ngày, trong đó dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp; 9,5 ngày cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 01 ngày cho phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, thông qua một số luật, nghị quyết và dự phòng 01 ngày.