Qua nửa năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,85% kế hoạch Thủ tướng giao

PV.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2018, có 8 bộ, ngành trung ương và 13 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch; Có đến 35/56 bộ, ngành trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 25%.

Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai các bộ, địa phương chậm báo cáo hoặc báo cáo không đánh giá các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thực hiện. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai các bộ, địa phương chậm báo cáo hoặc báo cáo không đánh giá các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thực hiện. Nguồn: Internet

Những chuyển biến tích cực

Theo Bộ Tài chính kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 130.013,784 tỷ đồng, tương đương 32,53% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 33,85% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 25,59% kế hoạch Quốc hội giao và 29,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cụ thể, giải ngân vốn trong nước đạt 119.527,02 tỷ đồng, bằng 35,19% kế hoạch Quốc hội giao và 36,05% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ là 6.664,061 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 15,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 2.743,907 tỷ đồng; đạt 24,83% kế hoạch giao. Trong khi đó, giải ngân vốn ngoài nước là 10.486,764 tỷ đồng, đạt 17,48% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 19,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Dù chưa đạt kế hoạch đề ra, song Bộ Tài chính cho rằng kết quả giải ngân vốn của các bộ, ngành trung ương và địa phương 6 tháng đầu năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực, cao hơn khoảng 10% so với tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017.

Thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy, có 8 bộ, ngành trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 50% kế hoạch. Tuy nhiên, có tới 35/56 bộ, ngành trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 25%.

 Công khai các bộ, địa phương chậm báo cáo

Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, Bộ Tài chính cho biết, do một số dự án có cơ chế cho vay lại, nhiều địa phương chưa đáp ứng được điều kiện giải ngân phần vốn cho vay lại; Một số dự án xin tăng tổng mức đầu tư; Một số dự án hết thời hạn thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn chưa giải ngân hết; Một số dự án giải ngân chậm do cơ quan chủ quản chậm giao kế hoạch vốn...

Mặt khác, các bộ chủ trì chương trình đến đầu tháng 3 và giữa tháng 3 mới có văn bản hướng dẫn địa phương triển khai phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Một số địa phương thực hiện trình Hội đồng nhân dân thông qua còn chậm và các dự án không thực hiện quy định đặc thù cũng chậm được phân bổ do yêu cầu đáp ứng điều kiện bố trí vốn có quyết định phê duyệt dự án trước 31/10/2017.

Ngoài ra, một số địa phương chủ yếu bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản Chương trình Nông thôn mới nhưng đến thời điểm tháng 5, tháng 6 vẫn đang thực hiện rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản Chương trình Nông thôn mới theo Nghị quyết 32/NQ-QH của Quốc hội nên chưa có số liệu làm cơ sở bố trí kế hoạch năm 2018.

Thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có các cuộc làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng cho rằng khâu tổ chức thực hiện giao vốn và giải ngân "có vấn đề", công tác thực hiện đầu tư công vẫn phát sinh nhiều vướng mắc, cụ thể giao vốn cho các địa phương vẫn còn chậm, khiến giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những nguyên nhân, như: Khả năng cân đối NSNN gặp khó khăn; Các địa phương chưa rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung vốn khác đối với các dự án chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch; Cơ chế đối tác công - tư chưa hấp dẫn...

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quy định chặt chẽ việc kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân thì tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục chậm. Ngoài ra, việc chuyển nguồn phải có điều kiện cụ thể, phải có ràng buộc cụ thể với chủ đầu tư, phải có lý do chính đáng. Nếu chỉ quy định chung chung là thời gian giải ngân vốn đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau thì tình trạng chuyển nguồn không bao giờ chấm dứt và việc giải ngân vốn đầu tư công hàng năm vẫn nằm trong tình trạng không hoàn thành kế hoạch.

Trước tình hình này, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị sửa điểm b khoản 1 Điều 76 Luật Đầu tư công theo hướng: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế  hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài đến hết ngày 31/1 của năm sau năm kế hoạch. Trường hợp đặc biệt phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, để đảm bảo thời gian và nội dung báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng tháng, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 6682/BTC-ĐT gửi các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước để đôn đốc việc thực hiện báo cáo. Trong đó, để đảm bảo tính thống nhất và đầy đủ về nội dung báo cáo, Bộ Tài chính đã xây dựng mẫu biểu và nội dung báo cáo đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công định kỳ hàng tháng theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản nêu trên. Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai các bộ, địa phương chậm báo cáo hoặc báo cáo không đánh giá các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thực hiện.