Quản lý thuế thương mại điện tử: Ngành Thuế cần phối hợp với Ngân hàng


Việc ban hành chính sách và quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại mỗi nước phụ thuộc vào mục tiêu, trình độ quản lý và mức độ phát triển bởi TMĐT đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan Thuế, nên cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý.

Tại Việt Nam TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, do vậy, cần thiết để xây dựng chiến lược quản lý thuế đối với hoạt động này, đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo đó, để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý chung về TMĐT, đặc biệt là đối với các hình thức kinh doanh mới như tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo, các mô hình “kinh tế chia sẻ”.

Cụ thể, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến quản lý thuế điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, theo các thông lệ quốc tế, nhất là trong hoạt động với các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Mặt khác, có thể nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, cần phát triển công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin xử lý các nhóm rủi ro khác nhau.

Theo TS Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý chung về TMĐT, đặc biệt là đối với các đối tượng kinh doanh, cơ quan Thuế cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT, các tổ chức không phải là ngân hàng cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian; phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển.

Đồng thời, kết hợp với hệ thống ngân hàng thương mại để thanh, kiểm tra các DN có dấu hiệu trốn thuế, thông qua việc kiểm soát dòng tiền. Sự phối hợp này đặc biệt cần thiết khi việc kiểm soát các giao dịch nhỏ lẻ rất khó thực hiện được.