Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư 05 dự án đường cao tốc

Việt Hoàng (T/h)

Ngày 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư 05 dự án đường cao tốc gồm: Công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 (Hà Nội) và Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận về chủ trương đầu tư 05 dự án đường cao tốc ngày 10/6
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận về chủ trương đầu tư 05 dự án đường cao tốc ngày 10/6

Ngày 10/6, thảo luận, cho ý kiến về chủ  trương đầu tư 05 dự án đường cao tốc, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư 05 dự án đường cao tốc. Các tờ trình, báo cáo của Chính phủ chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

Theo đó, đối với 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), một số ý kiến đại biểu cho rằng chủ trương đầu tư đã cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng Chính phủ cần cân nhắc thời gian thực hiện cơ chế, chính sách triển khai các dự án đảm bảo phù hợp hơn. Đồng thời, cần có các tiêu chí hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án đường cao tốc.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ và các địa phương lưu ý quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đảm bảo đời sống của người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có giải pháp để đảm bảo tiến độ của dự án và chất lượng của các công trình sau khi hoàn thành...

Đối với chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 (Hà Nội) và Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh), việc đầu tư 2 dự án này phù hợp với chủ trương của Đảng. Báo cáo giải trình thêm một số nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hai dự án có vị trí, vai trò quan trọng đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Với một vai trò quan trọng như vậy, nhưng hiện nay cũng đang chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian của đô thị cũng như về hạ tầng giao thông. Ngoài ra, hai vấn đề lớn nhất hiện nay của TP. Hà Nội và TP Chí Minh là tắc nghẽn giao thông và ngập úng, nếu không giải quyết tập trung, giải quyết nhanh ngay thì vừa làm cản trở cho phát triển, còn phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc...

Đặc biệt, việc xây dựng hai dự án này không phải chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, dựa vài đó để quy hoạch, phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên mà Nhà nước đã tạo ra, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề có ý nghĩa xã hội rất lớn là giữ người lao động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long không phải lên TP. Hồ Chí Minh, hoặc Bình Dương, bởi hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư.

Với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đây là một vùng có nhiều tiềm năng. Người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, vì vậy hai dự án này không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, không chần chừ bởi hiện nay chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 51, 8 làn xe nhưng quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TP. Hồ Chí Minh cũng quá tải và nếu không triển khai dự án này sẽ không tạo sự đột phá về cảng biển, nhất là khi sắp tới mở rộng Cảng Cái Mép - Thị Vải, nhu cầu vận tải càng tăng cao.

Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã tính toán theo Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Sau khi Quốc hội thông qua Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải dự tính đến giữa năm 2023 hoặc quý IV/2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần triển khai theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, đã có 16 ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc đầu tư triển khai đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây được 3 dự án rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông sông Cửu Long nói riêng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, của các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: phạm vi và quy mô dự án, những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, cân nhắc tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đánh giá hiệu quả các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất có liên quan, việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai dự án…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh trình Quốc hội xem xét thông qua.