Quyết nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020

Việt Hoàng

Sáng ngày 15/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Với 453/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực chậm lại… nhưng tổng thu NSNN vẫn đạt 98,2% dự toán.

Trong đó, thu nội địa vượt 0,2% dự toán, tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6%, tăng so với năm trước, nợ thuế giảm 0,63%. Bội chi ngân sách được điều hành quản lý chặt chẽ thấp hơn dự toán Quốc hội giao; Tỷ lệ nợ công giảm; Kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm đã góp phần cũng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.

Đối với tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng NSNN, quyết toán NSNN để không lặp lại các tồn tại, hạn chế này trong các năm sau.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng NSNN, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách phù hợp để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường tính chủ động cho các địa phương; Chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến tổ chức, triển khai thực hiện, quyết toán các dự án đầu tư; Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn... Cùng với đó, khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán NSNN niên độ năm 2020; Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN…

Trước đó, trong chương trình của Kỳ họp thứ 3, vào chiều ngày 23/5, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2020 với tổng số thu cân đối NSNN là 2.279.735,6 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 592.648,8 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2019 là 173.819,1 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.688,5 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là 643.406,1 tỷ đồng. Bội chi NSNN 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, bao gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 3.317 tỷ đồng.

Đến phiên họp ngày 2/6, cho ý kiến về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2020, trong bối cảnh dịch bênh COVID-19 bùng phát, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức. Dưới sự sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đạt kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm...

Theo chương trình, trong sáng ngày 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.