Sách trắng doanh nghiệp: Cơ hội để đánh giá lại sự phát triển


Với việc công bố Sách Trắng doanh nghiệp 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có bức tranh chân thực, toàn cảnh, đầy đủ và chính thống về tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham khảo.

Lần đầu tiên Chính phủ công khai các chỉ số phát triển doanh nghiệp  qua cuốn Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.
Lần đầu tiên Chính phủ công khai các chỉ số phát triển doanh nghiệp qua cuốn Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.
Sách trắng doanh nghiệp - Cơ hội để nhìn lại sự phát triển.
Sách trắng doanh nghiệp - Cơ hội để nhìn lại sự phát triển.

Tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Thời nào thì DN, doanh nhân đều là lực lượng xung kích đi đầu, nơi sản xuất của cải vật chất, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và thu nhập của ngân sách. Đảng, Nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương đều quan tâm tới DN và mọi thành phần kinh tế. 

Trước đây các cơ quan chỉ công bố số lượng DN nói chung của cả nước, không chi tiết tới từng địa phương, từng lĩnh vực và số liệu khác nhau. Còn Sách Trắng doanh nghiệp cung cấp ra ba chỉ số quan trọng là số lượng, tốc độ phát triển và chất lượng DN của từng địa phương.

Sách trắng doanh nghiệp: Cơ hội để đánh giá lại sự phát triển - Ảnh 1

Từ lâu, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đều mong có một bộ cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời và nhất quán về tình hình DN. Nghị quyết số 35 và 02/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê, cơ quan đăng ký kinh doanh và Tổng cục Thuế cố gắng cập nhật từng ngày, từng giờ về DN để công bố cho toàn quốc với nhiều mục tiêu”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Tới 31/12/2018 cả nước có 714.000 DN đang hoạt động. Trong bảng xếp hạng mức độ phát triển DN của các địa phương thì đứng đầu là TP. Hồ Chí Minh với 228.267 DN, Hà Nội 143.119 DN, tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá và Bắc Ninh. Ở nhóm cuối đa số là các tỉnh miền núi phía bắc, một vài tỉnh ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long... có ít DN hoạt động (từ trên 600 DN tới khoảng 2.000 DN/tỉnh).

Một điểm quan trọng, đó là chỉ tiêu về chất lượng DN, đó là tổng lợi nhuận mà hệ thống DN trên địa bàn mang lại và tổng thu nhập tạo ra cho người lao động, thể hiện sự đóng góp vào nền kinh tế của địa phương và cả nước.

Theo đó, số liệu được lấy ra sẽ cho thấy được trách nhiệm từng cấp, ngành và địa phương, so sánh được hiệu quả kinh tế mang lại giữa các thành phần kinh tế như khu vực FDI, DNNN, DN tư nhân trong đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách.

Ngoài ra là các chỉ số hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận trên doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu... của DN. Các con số phải biết nói, có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các địa phương để phát triển DN theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương về sắp xếp đổi mới DNNN, phát triển kinh tế tư nhân và sắp tới là Nghị quyết về thu hút FDI

Đối với các bộ, ngành Trung ương sử dụng Sách Trắng DN hằng năm là nguồn thông tin chủ yếu, tin cậy để phục vụ cho nghiên cứu hoạch định chiến lược thuộc ngành lĩnh vực mình phụ trách; đánh giá đúng, thực chất mặt mạnh, yếu trong lĩnh vực phát triển DN, đề xuất chính sách phát triển với mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 vốn là một mục tiêu nhiều thách thức.

Theo Bộ KH&ĐT, Sách Trắng doanh nghiệp năm 2019 gồm 5 phần: Bối cảnh phát triển DN Việt Nam năm 2018; tổng quan phát triển DN Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; các giải pháp phát triển DN;  Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển DN năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (toàn quốc) và Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển DN năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (địa phương) và tôn vinh 100 DN có đóng góp tích cực nhất vào phát triển kinh tế của đất nước và địa phương.