Sẽ “cán đích” kho bạc điện tử vào năm 2020

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2019

Xác định đích trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020, trong 10 năm qua, Kho bạc Nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện cải cách, lấy công nghệ thông tin làm chủ đạo; thay đổi phương thức giao dịch từ truyền thống (chứng từ giấy, hồ sơ giấy) sang giao dịch điện tử (với các chứng từ, hồ sơ được giao dịch trên môi trường mạng)...

Khi trở thành kho bạc điện tử, khách hàng sẽ không phải trực tiếp đến giao dịch tại cơ quan kho bạc.
Khi trở thành kho bạc điện tử, khách hàng sẽ không phải trực tiếp đến giao dịch tại cơ quan kho bạc.

Hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ

Nhận thức rõ mục tiêu xây dựng Kho bạc Nhà nước (KBNN) trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020, trong những năm qua, KBNN đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ trong toàn hệ thống.

Cụ thể, KBNN đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để thực hiện cải cách tài chính - ngân sách. Với việc triển khai thành công Hệ thống TABMIS, KBNN đã xây dựng được kiến trúc tổng thể về hệ thống CNTT, trong đó Hệ thống TABMIS đóng vai trò trung tâm, có khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với một số hệ thống liên quan (cơ sở dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); hệ thống thanh toán với ngân hàng; hệ thống quản lý nợ…) để kịp thời cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý điều hành tài chính – ngân sách.

Qua việc triển khai các bước đi để hình thành kho bạc điện tử của KBNN, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, KBNN đã đi đúng hướng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thời đại mới. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống, KBNN sẽ trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020.

Bên cạnh đó, KBNN đã đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa CNTT của KBNN như: Trang bị hệ thống máy chủ, máy trạm; thiết lập và hình thành mạng trên diện rộng có kết nối với tất cả các đơn vị trong hệ thống KBNN; xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung theo xu hướng ảo hóa hạ tầng mạng tại KBNN…

Song song với đó, KBNN đã xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống an toàn CNTT theo chuẩn mực thông lệ quốc tế… Những việc làm này đã giúp hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, cũng như giúp cho các hệ thống ứng dụng CNTT trong hệ thống KBNN hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Từ những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa, KBNN đã hoàn thành việc thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán song phương điện tử với ngân hàng thương mại. Đến nay, KBNN đã có hệ thống tài khoản tập trung, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cải cách quản lý ngân quỹ, vừa đảm bảo các giao dịch thu, chi NSNN được an toàn, nhanh chóng và chính xác.

Trong công tác kiểm soát chi, KBNN đã thực hiện tốt việc kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản hóa và rút ngắn thời gian kiểm soát chi (từ 7 ngày xuống còn 1 - 3 ngày đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách).

Cùng với việc hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, KBNN đã triển khai quy trình thanh toán trước, kiểm soát sau đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần; bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro đối với chi thường xuyên (qua đó, giảm 70% số món chi nhưng kiểm soát được tới 99% tổng số chi thường xuyên); thực hiện quy trình gửi hồ sơ kiểm soát chi đến KBNN thông qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN; xây dựng và triển khai cơ chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN… Qua đó, từng bước hình thành diện mạo kho bạc điện tử.

Xây dựng kho bạc điện tử phù hợp với thông lệ quốc tế

Ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để hình thành kho bạc điện tử, KBNN còn tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đến với các đơn vị sử dụng ngân sách. Đây là bước tiến quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Bên cạnh đó, DVCTT còn là tiền đề quan trọng cho việc hiện đại hóa công tác kiểm soát chi của hệ thống KBNN theo hướng: Hồ sơ, chứng từ chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách được gửi đến DVCTT, từ đó những hồ sơ, chứng từ được phân loại, xử lý ở các cấp độ khác nhau trên hệ thống lõi TABMIS bảo đảm tính minh bạch như: Chi thường xuyên, chi đầu tư hay chi khác.

Điểm đáng chú ý, qua theo dõi hoạt động kiểm soát chi trên DVCTT, lãnh đạo KBNN các cấp đã quản lý được cán bộ của mình bằng việc kiểm soát, nắm tình trạng xử lý hồ sơ kiểm soát chi ở từng bước, từng khâu của quy trình. Từ đó, giúp tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ; làm cho hoạt động của hệ thống KBNN minh bạch hơn, rõ ràng hơn, phục vụ đơn vị sử dụng NSNN, người dân tốt hơn.

Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng được hưởng nhiều lợi ích từ DVCTT như: Không phải mang hồ sơ thanh toán trực tiếp đến KBNN, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí. Đặc biệt, trên hệ thống DVCTT còn cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”, lý do từ chối thanh toán; “Hồ sơ kiểm soát chi xử lý quá hạn”.

Những lợi ích mà DVCTT mang lại đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ của đơn vị mình. Đến nay, tại tất cả các KBNN tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện cung cấp DVCTT đến các đơn vị sử dụng NSNN.

Qua việc triển khai các bước đi để hình thành kho bạc điện tử của KBNN, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, KBNN đã đi đúng hướng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thời đại mới. Từ nền tảng này, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống, KBNN sẽ trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020.