Được biết, tạm nhập, tái xuất (TN-TX) là một loại hình kinh doanh có sự gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Xin ông đánh giá sơ bộ về hoạt động kinh doanh này ?

Việt Nam có vị trí chiến lược nối liền với các thị trường trong khu vực ASEAN. Với đặc điểm thuận lợi về địa lý, các hoạt động kinh doanh TN-TX hàng hóa đã được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Phát huy lợi thế về địa lý, cảng biển, biên giới đường bộ giữa hai nước Việt - Trung, hoạt động cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho thị trường này đã phát triển rất nhanh. Đơn cử như tại Quảng Ninh, địa bàn có lượng hàng hóa TN-TX lớn nhất cả nước, nếu như năm 2006 chỉ có 8.231 tờ khai (với khoảng 26.000 container hàng TN-TX) qua các cửa khẩu thuộc tỉnh thì đến hết tháng 11/2011, đã có tới 28.621 tờ khai (với trên 72.000 container) TN- TX qua các cửa khẩu trên địa bàn này.

Thưa ông, những hàng hóa nào thường được TN- TX lớn và địa phương nào là địa bàn hoạt động chủ yếu?

Qua thực hiện thủ tục thông quan cho thấy, các mặt hàng xăng dầu, phân đạm, quặng, than cốc, vải may mặc thường được các DN thực hiện TN - TX lớn. Ngoài ra, các mặt hàng có điều kiện khác như hàng đông lạnh, hàng đã qua sử dụng, phế liệu…TN-TX cũng đang có xu hướng tăng. Hiện nay, hoạt động tạm nhập hàng hóa chủ yếu diễn ra ở các cảng lớn Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và xuất qua Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng…

Phải khẳng định hoạt động kinh doanh hàng TN-TX lành mạnh sẽ góp phần phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời tạo môi trường phát triển kinh doanh thương mại quốc tế cho DN. Tuy nhiên hoạt động này đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, cần sớm được khắc phục.

Ông có thể cho biết rõ hơn các hạn chế đó là gì?

Hiện các văn bản pháp lý quy định về quản lý hoạt động kinh doanh TN-TX đang chồng chéo nhau dẫn đến việc DN dễ dàng lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận. Việc kinh doanh TN-TX như hiện nay không thực sự đúng bản chất TN-TX (hàng hóa phải giữ nguyên trạng), do DN được chia nhỏ lô hàng để dễ vận chuyển khi TX hoặc được tiêu thụ nội địa. Điều này, dễ dẫn đến thẩm lậu vào nội địa, khó kiểm soát được.

Hơn nữa, thời gian hàng kinh doanh TN-TX được phép lưu tại Việt Nam quá dài (tối đa 180 ngày) và đối với hàng kinh doanh TN-TX thông thường DN có thể mang hàng về bảo quản trong thời gian lưu giữ tại Việt Nam, do đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cơ quan Hải quan trong việc giám sát quản lý tính nguyên trạng của hàng hóa. Đặc biệt là trong khâu thanh khoản, theo dõi nợ thuế…

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh TN-TX không có hạn chế hay cấm kinh doanh những mặt hàng cấm nhập khẩu, mặt hàng nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến an ninh, đến môi trường, an toàn thực phẩm và dịch bệnh thông qua việc vận chuyển các mặt hàng này trên lãnh thổ Việt Nam. Chưa kể đến hàng hóa nguy hiểm này có thể thẩm lậu vào nội địa...

Ông nghĩ sao khi một số ý kiến cho rằng công tác quản lý của các cơ quan chức năng vẫn còn “hổng” dẫn tới doanh nghiệp dễ lợi dụng?

Nguyên nhân chính của việc này là do chính sách quy định đối với loại hình kinh doanh TN-TX hàng hoá hiện nay rất “thoáng”. Trong khi điều kiện cần thiết cho loại hình hoạt động này chưa có, cơ sở hạ tầng của cơ quan quản lý còn hạn chế, đã tạo điều kiện cho một số DN kinh doanh dạng “chộp giật” lợi dụng làm sai, làm không đúng quy định.

Theo quy định hiện hành, chỉ có một số mặt hàng (như xăng dầu, thực phẩm đông lạnh) mới đưa ra một số quy định về điều kiện để DN được tham gia hoạt động kinh doanh TN-TX hàng hóa, còn nhiều hàng hóa khác không quy định điều kiện kinh doanh…Với quy định thông thoáng như hiện nay nên số DN tham gia hoạt động kinh doanh TN - TX là rất nhiều, đa dạng. Không ít DN chỉ thực hiện vai trò trung gian, làm dịch vụ trung chuyển hàng hoá thu hoa hồng, không phải là DN “thực mua” hay “thực bán” hàng hoá.

Một nguyên nhân nữa là quy định về thời gian hàng hóa theo loại hình kinh doanh TN - TX được phép lưu tại Việt Nam khá dài. DN có thể chia nhỏ lô hàng tạm nhập để vận chuyển khi TX; đối với hàng hóa (không thuộc loại cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hoặc không thuộc loại hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện) được chuyển đổi mục đích kinh doanh đưa vào tiêu thụ trong nội địa; Trường hợp DN cố tình thực hiện tạm nhập một lượng hàng hoá lớn rồi chuyển tiêu thụ nội địa, sau đó DN phá sản, hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ đã đăng ký, hoặc mất tích thì cơ quan Hải quan rất khó quản lý…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh TN-TX và quản lý loại hình này đạt hiệu quả, kiến nghị của ngành Hải quan là gì?

Tổng cục Hải quan đang kiến nghị, sửa đổi một số điều khoản cụ thể tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Theo đó, không nên cho phép DN kinh doanh TN-TX đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Bên cạnh đó, không cho phép hàng TN-TX được tiêu thụ nội địa.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện: thuốc lá, rượu, bia… cần quy định chặt chẽ điều kiện, giới hạn cửa khẩu xuất nhập khẩu; quy định phải quản lý hàng hóa tại cửa khẩu, phải có bảo lãnh và nếu không trái với các cam kết quốc tế thì đề nghị không cho phép TN-TX những mặt hàng này.

Đối với xăng dầu kinh doanh TN -TX cần quy định cụ thể kho chứa hàng TN-TX riêng. Rút ngắn thời gian được phép lưu tại Việt Nam không quá 30 ngày; phải có bảo lãnh thuế của ngân hàng thương mại.

Đối với hàng đông lạnh TN-TX thời hạn được phép lưu tại khu vực cửa khẩu xuất tối đa là 8 giờ làm việc kể từ khi Hải quan cửa khẩu tiếp nhận biên bản bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập bàn giao. Hết thời hạn trên, nếu hàng hóa chưa xuất được hoặc chưa xuất hết thì phải đưa về kho bãi để bảo quản.

Quy trình, điều kiện rút ngắn thời gian hàng hóa kinh doanh TN-TX khác được phép lưu giữ tại Việt Nam không quá 15 ngày và phải có bảo lãnh của ngân hàng về các khoản thuế đối với lượng hàng này, không cho phép gia hạn thời gian lưu tại Việt Nam.

Để đảm bảo tái xuất nguyên trạng, chỉ cho phép hàng TN-TX đi qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, không được đi qua cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở dẫn đến tình trạng phải chia nhỏ lô hàng TN để TX (hiện nay chỉ mới áp dụng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng cấm xuất nhập khẩu và hàng hóa là thực phẩm đông lạnh TN-TX)…

Ngoài ra, cũng cần có quy định cụ thể về các trường hợp TN-TX khác và thời hạn đối với từng trường hợp như: hàng hóa là máy móc, thiết bị TN-TX phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản cho thuê, đi thuê; linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài…; hàng TN-TX để bảo hành, sửa chữa ở Việt Nam theo hợp đồng bảo hành, sửa chữa.

Xin cảm ơn ông !

“Siết” chặt quản lý tạm nhập - tái xuất

PV. (Bài đăng Tài chính&Đầu tư số 8/2012).

TCTC Online - Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất mà mới nhất là vụ bán lậu xăng dầu lớn bị Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp phát hiện, bắt giữ. Nhân sự kiện này, Tài chính & Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Xem thêm

Video nổi bật