“Siết” cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ


Thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đảm bảo nợ công an toàn, trong đó, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, công tác vay, trả nợ và cho vay lại đã bám sát Kế hoạch vay trả nợ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Công tác vay, trả nợ và cho vay lại đã bám sát Kế hoạch vay trả nợ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguồn: Internet
Công tác vay, trả nợ và cho vay lại đã bám sát Kế hoạch vay trả nợ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguồn: Internet

807,2 triệu USD vốn cho vay lại trong năm 2018

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2018, tình hình rút vốn cho vay lại khoảng 807,2 triệu USD (tương đương khoảng 18.355,3 tỷ đồng). Dư nợ cho vay lại đến cuối năm 2018 là 18.020,5 triệu USD, tương đương 409.606,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 38,4% dư nợ nước ngoài của Chính phủ.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2018, công tác quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ tiếp tục được tăng cường. Với việc Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. So với các quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trước đây, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP đã có những quy định chặt chẽ hơn đối với việc quản lý nguồn vốn này.

Cụ thể, việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện theo hạn mức gắn với thời kỳ ổn định ngân sách (5 năm) và theo hạn mức hàng năm. Hạn mức này được xây dựng trong kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ nói chung căn cứ vào nhu cầu vay mới, tình hình thực hiện kỳ trước và đánh giá khả năng bố trí nguồn trả nợ của từng đối tượng nhận vay lại.

Nhìn chung, công tác huy động vốn vay, trả nợ Chính phủ, công tác cho vay lại đã bám sát Kế hoạch vay trả nợ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, bám sát kế hoạch kiểm tra, thanh tra các dự án sử dụng vốn vay nợ công; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án đã ký…

Tuy nhiên, nợ công chưa thể thực sự an toàn, bền vững khi chúng ta mới bố trí trả được lãi, chưa trả được gốc. Đặc biệt là khi đầu vào là tiền vay đã quản lý chặt chẽ, song đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, ODA có thực sự hiệu quả chưa thì vẫn là điều băn khoăn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh-Học viện Tài chính Việt Nam, để góp phần đưa nợ công về mức an toàn, bền vững, cơ quan chức năng cần siết chặt quy trình bảo lãnh khoản vay cho các dự án đầu tư công. Cơ quan chức năng cần quản lý nợ công đúng quy trình ngay từ đầu. Khi xem xét danh mục dự án đầu tư công, phải kiểm soát chặt chẽ để lựa chọn dự án phù hợp. Khi đã đưa dự án vào phải có kế hoạch, phải cân đối tính toán nguồn vốn đầu tư.

 “Chúng ta siết chặt, chỉ duyệt dự án thật sự cần thiết, hiệu quả cao. Mỗi năm chỉ đầu tư vài dự án nhưng đúng tiến độ, đạt hiệu quả dự án. Như vậy mới đảm bảo nợ công ở mức an toàn và bền vững. Những năm qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã siết chặt bảo lãnh, tình hình nợ công ổn hơn, dự án đầu tư siết chặt lại hơn”, vị chuyên gia này đánh giá.

Tiếp tục “siết” cho vay lại vốn vay nước ngoài

Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 đã siết chặt hơn việc cho vay lại. Cụ thể, phân loại theo hướng Nhà nước chỉ chịu rủi ro đối với các đối tượng chương trình cần ưu tiên của Chính phủ.

Triển khai cụ thể Luật Quản lý nợ công 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2018/ND-CP về cho vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, giúp quản lý chặt chẽ vay về cho vay lại đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; tăng cường công tác thu hồi nợ, quản lý tài sản đảm bảo. Trong đó, chú trọng thu hẹp phạm vi nguồn vốn nước ngoài vay về cho vay lại. Cụ thể, không thực hiện vay thương mại nước ngoài về cho vay lại, chỉ sử dụng một phần nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ để cho vay lại; không thực hiện việc cho vay lại tới các định chế tài chính theo hình thức hạn mức tín dụng.

Bên cạnh đó, việc cho vay lại đến chính quyền địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập cần tăng cường trách nhiệm sử dụng vốn vay của địa phương và của đơn vị thụ hưởng nhằm góp phần giảm áp lực trả nợ lên ngân sách trung ương. Trước đây, các đối tượng này chủ yếu được sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo cơ chế NSNN cấp phát. Theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và hướng dẫn tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP, các đối tượng này khi sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ đều phải nhận vay lại theo tỷ lệ nhất định căn cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương hoặc mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.  

Trường hợp, đối với địa phương, hiện có 5 mức tỷ lệ cho vay lại tính trên vốn vay nước ngoài (30%, 40%, 50%, 70% và 100%) áp dụng cho từng tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo Quyết định số 1164/QĐ-BTC ngày 18/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tùy theo mức độ tự chủ tài chính của từng đơn vị, có 2 mức tỷ lệ cho vay lại áp dụng là 50% hoặc 100%

Ngoài ra, tăng cường chia sẻ rủi ro giữa NSNN và cơ quan cho vay lại, áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro toàn bộ khi cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ tới doanh nghiệp.

Nhằm siết chặt điều kiện đối với các đối tượng vay lại nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, theo quy định mới, các dự án đầu tư phải được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định; doanh nghiệp được cho vay lại phải có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định và không bị lỗ trong 03 năm liền kề, không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại…