Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Sớm triển khai 4 nhóm vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Việt Hoàng

Sáng ngày 12/11, phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã có 29 đại biểu Quốc hội chất vấn, 7 đại biểu tranh luận. Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai 4 nhóm vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, trúng và đúng, đi thẳng vào vấn đề. Phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với kinh nghiệm và nắm chắc thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và mỗi vấn đề đều có đề xuất định hướng, phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới. Tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã bổ sung và làm rõ các vấn đề có liên quan.

Qua phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt các biện pháp đã đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, ngay trong năm 2021, phải xây dựng và ban hành, triển khai Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở đánh giá sâu sắc toàn diện những tác động của đại dịch COVID-19, bối cảnh khu vực và thế giới.

Đối với đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu với Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, xác định trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu để có giải pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong năm nay, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về vấn đề này, không để tình trạng chậm giải ngân ngân vốn đầu tư công này kéo dài bởi năm 2020 đã đạt tỷ lệ giải ngân lên đến 98% và hoàn toàn không có vướng mắc về thể chế mà quan trọng là cách thức thực hiện. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu phân bổ và giải ngân năm 2021 đạt 90%; phân bổ, giao vốn và giải ngân năm 2022 đạt 100% dự toán Quốc hội giao.

Về thể chế chính sách, đồng tình với các vấn đề đại biểu đã nhấn mạnh, Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ triển khai việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch, trong đó lưu ý quy hoạch phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long phải hoàn thành trước tháng 12/2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công và tháo gỡ các điểm nghẽn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh trong dự án 1 luật sửa nhiều luật. 

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan cần chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy trình, có ý kiến của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cân nhắc đến tính khả thi, khả năng huy động vốn, có lộ trình trước - sau để trình Quốc hội xem xét và quyết định; đồng thời, tiếp tục tham mưu với Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19...