Sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

Nguyễn Đỗ Hồng Anh - Chi bộ 1, Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch ra sức tăng cường các hoạt động tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để góp phần tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân” (Ảnh minh họa, nguồn internet)
“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân” (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ tất yếu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta

Đại hội XII của Đảng (01/2016) đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta [1]. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Nghị quyết cũng chỉ ra rằng: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị”. Nghị quyết đề ra bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao[2].

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nhằm bảo vệ đường lối, Cương lĩnh lãnh đạo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân luôn kiên định nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[3]. Theo đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục nhấn mạnh: Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới, khu vực; những thuận lợi, thời cơ, triển vọng và cả những khó khăn, thách thức mới của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước… đã xuất hiện và phát triển những quan điểm sai trái, thù địch với nhiều cấp độ và hình thức biểu hiện từ nhiều đối tượng khác nhau. Qua quá trình theo dõi và nhận định, có thể thấy rõ những loại quan điểm chống phá phổ biến hiện nay là: Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng; bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm để xuyên tạc bản chất của Đảng; ca ngợi chủ nghĩa tư bản và những sự sùng bái vật chất. Tình hình đó càng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc tăng cường hơn nữa tính chiến đấu, tính tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu thâm độc, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta là phải tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các thế lực thù địch phát tán các thông tin, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới đất nước. Bởi, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá đó, mà còn gắn chặt với bảo vệ nền tảng tư tưởng và phát triển đường lối đổi mới của Đảng. Đây là phương thức hữu hiệu để huy động sức mạnh tổng hợp tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”[4].

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm quan trọng. Đặc biệt, đây là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Đại hội tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 - 2020 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo và bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước, đây cũng là lúc nhân dân đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước. Nhân cơ hội đó, các thế lực thù địch, phản động ra sức tăng cường chống phá bằng những luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, xây dựng “xã hội dân sự”, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ… để xuyên tạc, kích động thái độ thù địch. Mục tiêu của họ là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi Đảng ta từ bỏ quyền lãnh đạo; bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam theo quan điểm của phương Tây, thực hiện nhà nước pháp quyền tư sản. Phương thức chống phá của họ chủ yếu là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là thông qua internet và truyền thông xã hội để lôi kéo, kích động trong cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy, việc đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái và ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một cuộc chiến kéo dài của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là nhiệm vụ cấp bách trước mắt với không ít khó khăn, thách thức, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những phương thức truyền thông xã hội mới

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong thời gian gần đây đã đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc đến rộng khắp không chỉ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, trong các bài báo, tạp chí mà còn trong rất nhiều các hội nghị, hội thảo và cả trên mạng xã hội... Theo các nhà khoa học, CMCN 4.0 sẽ tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới, đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất[5]. Đảng, Nhà nước, Chính phủ không chỉ chịu sự tác động, áp lực, thách thức mạnh mẽ từ các cuộc cách mạng công nghiệp mà còn phải xác định đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm đối với con người và xã hội trong bối cảnh mới có tính chất toàn cầu.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Bộ Chính trị yêu cầu cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc CMCN 4.0, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức nhằm đánh giá tình hình tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của nước ta trong thời gian qua, đồng thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN lần thứ 4 trong thời gian tới. (Nguồn vietnamnet.vn)
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức nhằm đánh giá tình hình tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của nước ta trong thời gian qua, đồng thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN lần thứ 4 trong thời gian tới. (Nguồn vietnamnet.vn)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet đã tạo nên những phương thức truyền thông xã hội mới có tính năng lan tỏa thông tin mạnh mẽ. Hiện tại và tương lai, truyền thông xã hội sẽ phát triển mạnh, tác động sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của mọi quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam chúng ta. Dưới sự tác động của cuộc CMCN 4.0 và sự nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, truyền thông xã hội đặc biệt là mạng xã hội sẽ ngày càng trở nên tiện ích hơn, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối cộng đồng. Sự phát triển đó vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với Đảng và Nhà Nước trong việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Trước hết, ta cần hiểu đúng về truyền thông xã hội (social media). Theo định nghĩa chính thức của Bộ Thông Tin và Truyền thông, truyền thông xã hội là “hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”[6]. Đặc điểm của truyền thông xã hội là ứng dụng rộng rãi, triệt để ưu thế của công nghệ và mạng xã hội để tương tác và trải nghiệm. Như vậy, truyền thông xã hội là các ứng dụng hoặc chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng Internet trên các thiết bị có truy cập internet để tương tác, tạo lập, chia sẻ thông tin, ý tưởng và các hình thức thể hiện khác thông qua các cộng đồng trên mạng internet. Với tiện ích ưu việt đó, truyền thông xã hội góp phần tạo ra mối quan hệ rộng rãi cho nhiều thành viên trong cộng đồng tham gia mạng xã hội. Nói cách khác, truyền thông xã hội đã biến cộng đồng “công dân mạng” trên khắp thế giới trở thành thành viên của một đại gia đình, xóa bỏ giới hạn về không gian địa lý, tạo lập một thế giới phẳng mà trong đó mọi người kết nối, tương tác với nhau thông qua mạng xã hội. Giữa truyền thông xã hội (social media) và mạng xã hội (social network) có một chút khác nhau trong nội hàm khái niệm. Về mặt bản chất công nghệ, hai khái niệm này đều cùng chỉ một bản thể: đó là những website dựa trên nền tảng web 2.0 để giúp người sử dụng có thể tạo lập và truyền tải thông tin. Tuy vậy, thuật ngữ truyền thông xã hội mang nghĩa rộng hơn, bao hàm cả phương tiện lẫn nội dung truyền thông, trong khi mạng xã hội nhấn mạnh nhiều hơn đến nền tảng công nghệ tạo ra nó[7].

Facebook, Youtube, Twitter hay Instagram…. là các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay và thu hút đông đảo người dùng. (Nguồn internet)
Facebook, Youtube, Twitter hay Instagram…. là các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay và thu hút đông đảo người dùng. (Nguồn internet)

Theo Báo cáo Digital 2020 toàn cầu của We Are Social kết hợp Hootsuite thống kê, Việt Nam có 96,9 triệu dân; trong đó số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước), số lượng người dùng internet là 68,17 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 70% số dân), số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Cũng theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành ngày 21/2/2020, trong năm 2019, trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương với 1/4 ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong số đó, khoảng 2 tiếng 33 phút là được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Các số liệu thống kê cho thấy người Việt Nam đã dành một lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Cộng đồng “công dân mạng” của Việt Nam đã hình thành nên một “xã hội mạng lưới” thực sự đông đảo và rộng khắp. Các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Youtube… có thể thu hút từ hàng nghìn đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về khoảng cách địa lý, tầng lớp xã hội. Dưới sự trợ giúp của internet và các nền tảng công nghệ, các “công dân mạng” có thể tạo ra một lượng thông tin khổng lồ và tự lan truyền khối lượng thông tin đó đến với nhau. Sự tương tác với từng cá nhân người dùng và sự lan truyền với tốc độ nhanh chóng tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích trong việc truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ thông tin; phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giao lưu, giải trí, kinh doanh, thể hiện quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội... Tuy nhiên, sự phát triển của truyền thông xã hội cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Đặc biệt là thời gian gần đây, các thế lực thù địch và phản động trong và ngoài nước đang tận dụng triệt để những tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, xúc phạm, bịa đặt nói xấu tổ chức, cá nhân; lôi kéo kích động, tụ tập đông người, biểu tình trái pháp luật nhằm chống đối chính quyền và chống phá Đảng, Nhà Nước…

Tác động của truyền thông xã hội đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ và củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tuy vậy, việc củng cố niềm tin của nhân dân, đồng thuận xã hội lại luôn bị thử thách, biến động không ngừng theo dòng chảy của thời cuộc. Trong đó, báo chí, truyền thông nói chung, đặc biệt là truyền thông xã hội nói riêng có ảnh hưởng rất lớn.

Về mặt tích cực, các trang mạng xã hội góp phần không nhỏ vào việc truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Xây dựng một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Cùng với sự phát triển của internet và công nghệ, vai trò của mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Tháng 10/2015, Chính phủ đã lập 02 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế- xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, khuyến khích người dân đồng hành cùng chính phủ, góp phần thiết thực định hướng dư luận trên mạng xã hội.

Tận dụng ưu thế, tính năng ”chia sẻ”, ”bình luận” và sự lan truyền nhanh chóng của truyền thông xã hội, nhiều cơ quan báo chí lập các trang mạng xã hội để vừa chuyển tải các bài viết trên báo chí theo cách tiếp cận mới, phù hợp với nhu cầu của độc giả trẻ tuổi, vừa tiếp nhận phản hồi của độc giả về nội dung bài viết một cách nhanh chóng, từ đó nắm bắt sự quan tâm của độc giả đối với nội dung phản ánh. Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, có rất nhiều trang “fanpage” chính thống của các đơn vị báo chí, truyền thông trong nước như Báo Tuổi trẻ, Dân trí, Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Công an nhân dân, Vnexpress…, các đài truyền hình như VTV, VTC, ANTV, hoặc các tổ chức đoàn thể như Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh v.v… Các trang mạng xã hội này thường xuyên cập nhật những diễn biến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế trong cả nước và trên thế giới; tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các tấm gương người tốt việc tốt và các phong trào điển hình tại các địa phương; đặc biệt có nhiều tuyến tin bài chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đi đầu đấu tranh trực diện phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách sắc bén, hiệu quả. Ngoài ra có thể kể đến một số trang facebook như: “Vững tin theo Đảng”, “Bút chiến”, “Người lính - Hồ Chí Minh”, “Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Tác chiến mạng”… cũng là những trang mạng xã hội có lượng “like” lớn, thường xuyên đăng tải các thông tin chính luận, các thông tin về tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự trong nước và trên thế giới. Ví dụ trang facebook “Truyền thông Đảng Cộng sản Việt Nam”[8] có phần “Mô tả” như sau: “Phổ biến các đường lối chính sách của Đảng để cho nhân dân biết và chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”. Cung cấp các thông tin từ trang web Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn hoặc cpv.org.vn), Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn) và Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn) đến với người dân trên không gian mạng xã hội facebook”. Nội dung trong trang là tổng hợp các bài viết đã được chia sẻ trên các website chính thống: “Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những bước ngoặt lịch sử”, “12 Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, trong sạch”… Đặc biệt trang còn cập nhật các bản tin hình hàng ngày của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; chia sẻ các video về hoạt động triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các tỉnh thành trên cả nước; các tấm gương tiêu biểu trong lao động và học tập; các hình ảnh chân thực về lịch sử kháng chiến của quân và dân ta; những bài viết cảm động về cuộc sống của những người chiến sĩ nơi địa đầu Tổ quốc; những hình ảnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước… Các bài viết, hình ảnh và video clip được đăng tải có lượt tương tác tương đối cao, các bình luận đều ủng hộ đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những tin bài tiếp tục được người dùng chia sẻ tại trang cá nhân của họ, sự lan truyền sẽ theo cấp số nhân và tạo được hiệu quả rất lớn trong việc đưa thông tin đến đông đảo cộng đồng.

Ngoài các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Twitter…, trong nước cũng đã bắt đầu xuất hiện những trang mạng xã hội “made in Vietnam”. Tháng 06/2019, mạng xã hội VCNet do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tập đoàn Viettel xây dựng với phương châm "Tuyên giáo đi trước, đi cùng" đã chính thức đi vào hoạt động, tạo ra bước đột phá trong công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu của ngành trong ứng dụng công nghệ để đổi mới công tác điều hành, cũng như tăng cường tính tương tác của ngành Tuyên giáo và cộng đồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Thông qua một nền tảng mạng xã hội của cộng đồng người Việt, VCNet trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên và nhân dân chia sẻ ý kiến, trao đổi thông tin tích cực; góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mạng xã hội VCNet đã có hơn 1 triệu tài khoản đăng ký và có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của ngành Tuyên giáo, giúp cho việc lan toả các thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất với những hình thức tương tác phong phú, mới mẻ và hấp dẫn. Điển hình như từ tháng 8 đến tháng 12/2019, thông qua mạng VCNet, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thành công Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tiếp nối thành công đó, cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” cũng được tổ chức từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020, thu hút hàng trăm nghìn người dự thi mỗi tuần, tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.

Như vậy, với thống kê 67% người dân Việt Nam có sử dụng mạng xã hội thì việc chia sẻ thông tin từ các trang web chính thống của Đảng, Chính phủ lên các trang mạng xã hội đã làm cho người dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời hơn với các thông tin về đường lối lãnh đạo của Đảng, về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự của đất nước; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời người dân cũng có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, những hiểu biết và ý kiến của mình với mỗi vấn đề được đưa ra trên các trang mạng xã hội nhờ vào tính năng tương tác, chính điều này đã làm cho truyền thông xã hội trở nên thu hút hơn so với truyền thông truyền thống.

Trang Facebook Thông tin Chính phủ (Ảnh chụp màn hình)
Trang Facebook Thông tin Chính phủ (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh mặt tích cực như trên, truyền thông xã hội cũng bộc lộ ít nhiều những điểm hạn chế. Thông tin trên mạng xã hội vô cùng đa dạng, phong phú và nhiều chiều, thậm chí nhiều vấn đề được đưa ra đôi khi quá đà, không kiểm soát. Việc truyền tin trên mạng xã hội cũng dễ bị thổi phồng, thiếu tính chính xác, thiếu sự kiểm chứng và dễ bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông và phản ứng dây chuyền. Ngoài ra, do tính khó kiểm soát thông tin và tính năng ẩn danh của người tham gia mạng xã hội mà truyền thông xã hội dễ trở thành phương tiện để các thế lực xấu, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta sử dụng gây rối loạn thông tin, mất trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, lập ra các tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng không lành mạnh, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân, gây mất niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước... Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ, lôi kéo, kích động cộng đồng mạng tham gia các hoạt động hội họp, biểu tình không phù hợp với quy định của pháp luật… Điều đáng báo động là số lượng người dùng có tương tác với những trang mạng xã hội núp bóng các tổ chức chức phản động là rất lớn, ví dụ như trang facebook của BBC New Tiếng Việt có hơn 2,3 triệu lượt “like”, các bài viết đều có sự tham gia bình luận của các phần tử cực đoan, hô hào kêu gọi lật đổ Đảng, Nhà nước. Trong khi đó, phần lớn người tham gia mạng xã hội là những người trẻ tuổi, chưa có nhiều trải nghiệm, chưa đủ bản lĩnh sàng lọc thông tin nên những dạng thông tin độc hại, kích động, giật gân với tốc độ phát tán, lan truyền rất nhanh sẽ làm sai lệch nhận thức, tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi ứng xử.

Trong những tháng qua, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 là chủ đạo trên báo chí truyền thông, cũng như trên mạng xã hội. Hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trong điều kiện nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Đảng và Nhà nước ta đã nhanh chóng triển khai quyết liệt hàng loạt các chủ trương, biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, tổ chức giãn cách toàn xã hội, phát động toàn dân nâng cao ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nhờ sự đồng lòng của toàn Đảng toàn dân, về cơ bản chúng ta đã đẩy lùi được đại dịch. Tuy nhiên kết quả đó đã làm cho các thế lực thù địch, phản động tỏ ra khó chịu, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, kích động hòng tạo ra những bất ổn về an ninh trật tự xã hội, phá hoại sản xuất trong nước, chia rẽ Việt Nam với các nước trên thế giới. Chúng tung lên mạng xã hội những thông tin giả, xuyên tạc về quan điểm, chủ trương, chính sách, các giải pháp và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam; bới móc đời tư của bệnh nhân Covid-19, nhất là cán bộ cấp cao rồi bịa đặt, suy diễn về lối sống, đạo đức; bịa đặt, bóp méo sự thật về tình hình dịch bệnh, gây ra tâm trạng bất an trong nhân dân, tạo hình ảnh xấu về Việt Nam. Có thể kể đến một số bài viết trên trang VOA Tiếng Việt, Dân làm báo VN và một số facebook cá nhân của các phần tử cực đoan như: “Chẳng lẽ chỉ có đảng mới… đáng được chăm sóc”, “Rò rỉ sự thật về Wuhan Covid-19 ở VN: Bao nhiêu người đã bị nhiễm và tử vong?”… Những đối tượng phản động đã khai thác triệt để tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ trên các tài khoản cá nhân hoặc trên các hội nhóm, làm náo loạn để tung ra những tin tức thất thiệt, gây bất an trong đời sống nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến các tập thể, cá nhân và cộng đồng xã hội mà trực tiếp là công tác phòng, chống dịch.

Tận dụng những tính năng của mạng xã hội, ngay trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự Đại hội XIII... Chúng khởi xướng các “chiến dịch tuyên truyền” tiêu biểu như “Chiến dịch tuyên truyền xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013”; “Chiến dịch tẩy chay Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Chiến dịch bàn luận nhân sự Đại hội XIII”[9]… Các “chiến dịch tuyên truyền” này được khởi xướng chủ yếu từ các trung tâm, tổ chức thù địch Việt Nam ở nước ngoài như: Các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong (Việt Tân, Đảng Dân chủ nhân dân, Đảng Vì dân, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời…), các trung tâm truyền thông nước ngoài (Đài BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt…). Mục đích trực tiếp của các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIII của Đảng là nhằm phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội; làm suy giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không diễn ra theo kế hoạch hoặc không đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra. Nhiều trang mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối trong nước đã phát tán các bài viết có nội dung xuyên tạc cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng thời, kêu gọi sửa đổi “toàn diện” văn kiện, đường lối chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò “độc tôn” của Đảng; thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước. Đối với công tác nhân sự Đại hội XIII, chúng phát tán nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội, bịa đặt nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang hình thành “phe cánh” để tranh giành, đấu đá quyền lực, “lợi ích nhóm”. Một số bài viết trên trang facebook của BBC Tiếng Việt như: “Ai sẽ vào “tứ trụ” ở Đại hội XIII và bước tiếp của “Đốt lò”, “Thông điệp năm mới 2020 - “đột phá” thể chế”, “Đại hội Đảng XIII và “Cuộc đua Tam Mã” vào ghế Tổng Bí thư”, “Việt Nam: Quy hoạch Trung ương Đảng, dân mong công khai”, “An ninh công an Việt Nam: Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn”, “Đảng Cộng sản Việt Nam: 90 năm là dịp để ban hành luật về Đảng” v.v... Các thông tin giật gân, kích động được các thế lực phản động lan truyền với tốc độ nhanh chóng thông qua tính năng “chia sẻ”, gây ra những hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin trong một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên. Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIII nói riêng cũng như các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung thông qua mạng xã hội không chỉ tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, mà còn tác động, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự và quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhu cầu tham gia hoạt động xã hội nhưng lại thiếu ý thức về vai trò gương mẫu của mình, thay vì tiếp tục rèn luyện, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong cộng đồng, số người này đã có một số biểu hiệu suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống. Hiện nay có rất nhiều cán bộ, đảng viên đã sử dụng các mạng xã hội hoặc blog cá nhân để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân của mình. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở đất nước ta khi mỗi công dân có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong số này, có một số đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, thâm chí có những người đang công tác ở các cơ quan của Đảng, chính quyền. Chẳng hạn, có đảng viên đưa các thông tin chưa được kiểm chứng về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham gia bình luận những ý kiến sai trái, mang thái độ hằn học, xuyên tạc; có đảng viên đưa thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự trong nước, ví dụ như “vụ án Đồng Tâm” gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm…

Tác động xấu từ truyền thông xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp[10]. Trong giai đoạn cả nước hướng tới Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động sẽ càng đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá. Chúng sẽ triệt để khai thác các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là thông qua mạng xã hội để phát tán các bài viết gây nhiễu loạn thông tin, các bản “đơn thư”, “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “đơn tố cáo”, qua đó gây áp lực hoặc hạ uy tín, tạo luồng dư luận xấu về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần kịp thời phát hiện và có những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của truyền thông xã hội để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Có thể khẳng định, truyền thông xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy và tăng cường các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Bối cảnh ấy đòi hỏi chúng ta phải có sự nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và kiểm soát những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tích cực và tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Để công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội có hiệu quả, các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Để làm tốt công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cần phải xác định rõ, đầy đủ cơ sở lý luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước hết, trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các cấp ủy Đảng cần nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; xây dựng đội ngũ cán bộ sẵn sàng “phản ứng nhanh” với những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng Coi trọng lấy gương “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, giáo dục, tạo hiệu ứng tích cực, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm các vi phạm chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đồng thời cổ vũ, biểu dương các tấm gương đạo đức để tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và xã hội.

Quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường gắn kết hơn nữa giữa việc thực hiện Nghị quyết 35 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Thường xuyên tổ chức các Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị…  

Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng và giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhằm làm cho Đảng thành một khối vững chắc về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, thông qua việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quán triệt và chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm. Chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, tổ chức đảng, sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt, đổi mới phong cách, phương pháp công tác; làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm với phương châm “tự soi, tự sửa”, tự phê bình và phê bình. Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, chú trọng và tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức quần chúng cũng như mọi cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đặc biệt trong thời gian tới cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

Hai là, đổi mới tư duy và cách thức quản lý truyền thông trước xu thế phát triển của CMCN 4.0, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên Internet và mạng xã hội

CMCN 4.0 đã tạo ra một xã hội thông tin, một không gian mạng hoàn toàn khác biệt so với không gian địa lý truyền thống, dẫn đến môi trường truyền thông, cách thức truyền thông và cách thức tiếp nhận sản phẩm truyền thông cũng có nhiều khác biệt so với trước kia. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi không chỉ trong hoạt động truyền thông, mà còn tăng cường đổi mới tư duy quản lý truyền thông để thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm từ các nước đi trước để việc đẩy mạnh quản lý theo hướng bài bản, chặt chẽ và hiệu quả. Đặc biệt cần có sự đổi mới tư duy và cách thức trong quản lý truyền thông nói chung và quản lý không gian mạng nói riêng để phù hợp với sự phát triển xã hội trong xu thế hội nhập, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm: “không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ”[11]. Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, những người làm nghề truyền thông, những người làm công tác giảng dạy và đào tạo cần hệ thống các kiến thức lý luận và thực tiễn về truyền thông và quản lý truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội trên Internet trong bối cảnh CMCN 4.0. Bên cạnh việc cập nhật những lý thuyết mới, mô hình mới về truyền thông, cần phải biết vận dụng phù hợp với thực trạng tình hình trong nước và với cơ quan, tổ chức của mình, cần đúc rút các kinh nghiệm, bài học về quản lý để xây dựng chính sách và hoạch định chiến lược.

Cần có sự đổi mới tư duy và cách thức trong quản lý truyền thông nói chung và quản lý không gian mạng nói riêng để phù hợp với sự phát triển xã hội trong xu thế hội nhập, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng (nguồn ảnh TTXVN)
Cần có sự đổi mới tư duy và cách thức trong quản lý truyền thông nói chung và quản lý không gian mạng nói riêng để phù hợp với sự phát triển xã hội trong xu thế hội nhập, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng (nguồn ảnh TTXVN)

Tăng cường rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng; xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân đưa tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội. Để quản lý tốt, cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội.... Hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước và lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh  có nội dung xuyên tạc, vu khống, kích động.

Tuyên truyền, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội, đặc biệt là các nội dung của Nghị quyết 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết 30-NQ/TW về Chiến lược an ninh quốc gia của Bộ Chính trị (khóa XII); Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng xã hội; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xâu, độc trên internet, mạng xã hội. Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội…

Sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp để chủ động nắm tình hình, phát hiện các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang mạng xã hội có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang mạng này để kịp phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng; kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá cách mạng Việt Nam... Đồng thời xây dựng đối sách chiến lược ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam từ các trang, dịch vụ xuyên biên giới có máy chủ đặt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức trao đổi, hợp tác quốc tế về chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ kỹ thuật, phát triển và quản lý báo điện tử, truyền thông trên Internet, mạng xã hội...

Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc định hướng dư luận xã hội, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên Internet, mạng xã hội

Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan báo chí đều buộc phải thừa nhận rằng truyền thông xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược nội dung của mình. Giờ đây truyền thông xã hội không phải là một lựa chọn của báo chí nữa mà đã trở thành điều bắt buộc trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày, thậm chí đã hình thành một thuật ngữ mới và một thể loại báo chí mới: “social journalism”. Theo đó các nhà báo sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin, thẩm định thông tin,  phát hành thông tin và tương tác với độc giả. Trước xu thế đó, cần tăng cường phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng. Tích cực, chủ động cung cấp những thông tin chính thống để định hướng dư luận về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... Mỗi đơn vị báo chí cần tăng cường đưa tin bài trên các trang mạng xã hội, đặc biệt cần duy trì duy trì tốt các chuyên mục về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch”, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh, cả trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính. Chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên Internet, mạng xã hội, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh với các phần tử phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ. Thiết lập và sử dụng các trang mạng xã hội để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền các quan điểm chính thống, định hướng dư luận, tiến hành đấu tranh phản bác ngay tại các trang được đối tượng sử dụng. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học chặt chẽ, có tính thuyết phục cao.

Đổi mới tư duy và cách thức đào tạo báo chí để nâng cao chất lượng và hiệu quả, xác định đào tạo báo chí và truyền thông là hoạt động mũi nhọn giúp cung cấp nguồn nhân sự truyền thông, đội ngũ làm báo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay… Đội ngũ làm báo trong thời đại mới phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; chú trọng kỹ năng tác nghiệp với các phương tiện khác nhau và các kỹ năng cập nhật nhanh chóng tin, bài trên mạng xã hội. Trong công tác đào tạo báo chí, cần thiết kế xây dựng chương trình có tích hợp các nội dung về công nghệ thông tin; thúc đẩy việc trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ phục vụ các công tác đào tạo trực tuyến và đào tạo thực hành; tăng cường nghiên cứu, trao đổi học thuật, liên kết đào tạo truyền thông đối với các cơ sở đào tạo, các trường đại học uy tín về báo chí, truyền thông trên thế giới... Bên cạnh đó, cần có những tiêu chuẩn đầu ra cho sinh viên báo chí ra trường vừa nắm kiến thức, kỹ năng làm báo, thông thạo ngoại ngữ, có khả năng làm việc đa ngành, vừa nắm vững các kỹ năng về truyền thông đa phương tiện, kỹ năng truy cập, chọn lọc và xử lý thông tin.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội

Một trong những khó khăn lớn của hoạt động truyền thông và quản lý truyền thông xã hội ở nước ta đang gặp phải đó chính là cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ thông tin. Mặc dù những lý thuyết và phương pháp mới ứng dụng trong truyền thông đều được nghiên cứu nhưng việc áp dụng vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy các giải pháp công nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của Internet, mạng xã hội như tăng cường và đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới; khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển; khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ…

Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang có nội dung tuyên truyền sai sự thật về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang blog, diễn đàn, mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung xấu, độc hại. Các cơ quan, đơn vị kỹ thuật cần nghiên cứu, đưa vào khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ kiểm soát, phân loại thông tin tích cực, tiêu cực trên internet, mạng xã hội; cảnh báo luồng dư luận quan tâm và nguy cơ xảy ra biểu tình ở các “điểm nóng”; phát triển trí tuệ nhân tạo để thực hiện các chiến dịch truyền thông chủ động với mục đích phát tán nhiều thông tin tích cực, phân tán luồng thông tin tiêu cực, xấu độc; đồng thời, bảo đảm xây dựng hệ thống máy tính ảo, tạo lập các tài khoản người dùng phục vụ các lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội.

Kiên quyết yêu cầu các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Yêu cầu các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân thủ các quy định khi vào Việt Nam như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời xóa bỏ những trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ triệt để các tài khoản đưa thông tin sai sự thật,... 

Năm là, chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân

Truyền thông xã hội khác biệt vì nội dung do người dùng tạo ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao, do đó, sự quản lý của Nhà nước là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Do đó cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, người trẻ trong xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội lành mạnh. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân và của cộng đồng.

Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân nên nhìn rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó và cần quan tâm phát huy mặt tích cực, hạn chế mức thấp nhất các yếu tố tiêu cực. Nhà nước cần nêu ra và giáo dục cho cộng đồng những nguyên tắc khi tham gia truyền thông xã hội để tạo lập một môi trường lành mạnh, văn minh trên không gian mạng. Các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân đồng thời là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan nơi công tác. “Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, “sử dụng mạng xã hội hiệu quả” nên được coi là phương châm của mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia tương tác trên không gian mạng. Các cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin. Đặc biệt mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực; không ngừng lan tỏa những thông điệp, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc; hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng thanh lịch, văn minh.

Cần thiết sớm ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội” (nguồn ảnh internet)
Cần thiết sớm ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội” (nguồn ảnh internet)

 

Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với những tiêu chí: Tôn trọng - Trách nhiệm - Lành mạnh - An toàn. Những quy tắc trên có thể áp dụng cho tất cả những người sử dụng mạng xã hội mà đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý nêu gương. Ngoài ra, mỗi cá nhân có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia. Trong giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội, mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại 4.0. Qua đó mỗi cá nhân sẽ góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp trong xã hội, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng… Hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với non song đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mạng xã hội. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động...

Những định hướng cơ bản và những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời giảm tác hại từ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là trong bối cảnh hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 7-8

[2]. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.186

 [4]. Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 30-12-2019, tr.1

[5].TS. Nguyễn Bá Ân, Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức, nguồn: https://baomoi.com/cach-mang-cong-nghiep-4-0-co-hoi-va-thach-thuc/c/23508186.epi

 [6]. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng, Số: 72/2013/NĐ-CP.

 [7]. ThS Nguyễn Thị  Lan, Truyền thông xã hội và các giải pháp quản lý, phát triển, Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019 

[8].Đường link: www.facebook.com/CommunicationOfTheCommunistPartyOfVietnam

[9].Nguyễn Sơn, Nhận diện các “chiến dịch” tuyên truyền chống phá Đại hội XIII của Đảng, Báo CAND điện tử, tháng 05-2020.

[10]. Võ Văn Thưởng – UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Truyền thông xã hội đối với sự ổn định chính trị, xã hội ở Việt nam, Báo Quân đội nhân dân, ngày 17-6-2019.

[11]. Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI ngày 25/12/2013 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet”.

[12]. Huỳnh Thanh Hiếu, Mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2018