1,46 triệu hồ sơ của 23.700 doanh nghiệp được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia

PV.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan luôn nỗ lực và trách nhiệm cao trong việc hiện thực hóa quyết tâm, chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính thành những hành động cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, đến nay đã đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

1,46 triệu hồ sơ của 23.700 doanh nghiệp được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia - Ảnh 1
Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và công bố Chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 12/9/2018.
Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và công bố Chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 12/9/2018, ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) đã chia sẻ về kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại.
Ông Phạm Duyên Phương cho biết, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là Cơ quan thường trực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nỗ lực hết sức mình để triển khai các nội dung theo đúng kế hoạch, lộ trình đặt ra.

Cụ thể, về Cơ chế một cửa quốc gia, được triển khai chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến ngày 31/08/2018, đã có 68 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, xử lý hơn 1,46 triệu hồ sơ của 23.700 doanh nghiệp.

Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển quốc tế, từ ngày 15/11/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước (03 thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh) với sự tham gia kết nối của trên 40 hãng hàng không quốc tế khai thác các chuyến bay chở hành khách và hàng hóa đến Việt Nam và xuất phát từ Việt Nam.

Hiện nay, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 02 giờ làm việc.

Cùng với việc triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, năm 2017, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Hải quan triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; Đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; Giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 theo chỉ đạo của Chính phủ.

1,46 triệu hồ sơ của 23.700 doanh nghiệp được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia - Ảnh 2
Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) phát biểu tại Hội nghị.

Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả, đến ngày 31/08/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 40.000 C/O. Tổng số C/O Việt Nam gửi tới 04 nước là 19.500 C/O. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines để thiết lập, kết nối hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời đang phối hợp với các nước: Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Song song với đó, với vai trò là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Bộ liên quan triển khai thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong các năm từ 2015 đến 2017, Tổng cục Hải quan đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể, trong thời gian gần 3 năm tính từ quý II/2015 đến quý I/2018, số lượng mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành giảm 4.403 mặt hàng; Một số Bộ, ngành đã bắt đầu thay đổi phương pháp quản lý và kiểm tra chuyên ngành, chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ trước thông quan sang sau thông quan; Ủy quyền hoặc chỉ định nhiều cơ quan, tổ chức được thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành; Số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu năm 2015 khoảng 30% đã giảm xuống còn 19,4% trong năm 2017; Thực hiện rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo, Quy định đối tượng miễn kiểm tra chuyên ngành, Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành, Xây dựng, ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS.

Liên tục trong các năm 2016, 2017, theo báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam giữ vững vị trí trong 4 nước dẫn đầu về chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới với chi phí và thời gian thông quan giảm dần qua các năm.

Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu). Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng, cụ thể: năm 2018  tăng 14 bậc, năm 2017 tăng 8 bậc, năm 2016 tăng 3 bậc.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong thời gian gần đây, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có bước tiến nhảy vọt về năng lực cạnh tranh quốc gia, xếp hạng 55, tăng 5 bậc so với năm 2017 và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Những kết quả ấn tượng nói trên là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải cách hành chính không chỉ của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan mà của các Bộ, ngành; Góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian vừa qua đã góp phần thúc đẩy triển khai chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam theo các Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời là tiền để để hoàn thành các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018.