Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị:

Bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “thủ tục kiểm tra một cửa, một điểm dừng”

Đinh Ngọc Thanh – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa Khẩu Lao Bảo

(Tài chính) Ngày 06/11/2014, tại Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “thủ tục kiểm tra một cửa, một điểm dừng”, đạt kết quả giỏi.

Toàn cảnh buổi bảo vệ đề tài của Cục Hải quan Quảng Trị. Nguồn: Cục Hải quan Quảng Trị
Toàn cảnh buổi bảo vệ đề tài của Cục Hải quan Quảng Trị. Nguồn: Cục Hải quan Quảng Trị

Đề tài này được Bộ Tài chính giao cho Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị chủ trì thực hiện năm 2014, đã hoàn thành trước thời hạn (tháng 12/2014). Chủ nhiệm Đề tài là TS. Lê Văn Tới – Cục trưởng.  Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành công mô hình “kiểm tra một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) – Đensavanh (Lào)

Thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định GMS trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới.

Căn cứ Biên bản ghi nhớ (MOU) ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Lào ngày 25/3/2005 về Bước đầu thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS-CBTA), Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất chọn triển khai thực hiện thí điểm thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (CHXHCN Việt Nam) và Đensavanh (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).

Theo đó, lộ trình thực hiện kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đensavanh thực hiện đầy đủ qua 4 Bước (Step): Bước 1 bắt đầu từ ngày 30/6/2005, Bước 2 bắt đầu từ ngày 30/6/2006, Bước 3 bắt đầu từ ngày 31/12/2006, Bước 4 bắt đầu từ ngày 30/6/2007.

Tuy nhiên, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Hai Bên vẫn chưa thể triển khai được các Bước tiếp theo, mặc dù việc triển khai Bước 1 (Do cơ quan Hải quan hai Bên phối hợp thực hiện kiểm tra chung) cơ bản đã được các Bên triển khai thành công, đạt được hiệu quả Bước đầu về tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới; đồng thời, các Bên đã chuẩn bị khá đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và quy định pháp lý để chuyển sang Bước 2.

Đối với Hải quan Việt Nam, về cơ sở lý luận và thực tế quá trình triển khai, cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện về vấn đề này (thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng”) để làm cơ sở pháp lý cũng như thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo triển khai. Mặt khác, trên thực tế, trong quá trình triển khai thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đensavanh, đã phát sinh một số vấn đề mới về cơ sở lý luận và phương pháp thực hiện các Bước 2, 3, 4 cần được nghiên cứu làm rõ thêm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ và các Bộ Ngành đang nỗ lực triển khai Hệ thống Một cửa quốc gia và kết nối Một cửa ASEAN. Cơ chế Hải quan một cửa ASEAN cũng là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2011-2020. Do đó, việc triển khai thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” theo MOU đã ký kết giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông cũng là cơ sở tiền đề quan trọng để thực hiện cơ chế Hải quan 1 cửa Asean.

Trong bối cảnh trên, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị nhận thấy rằng, cần phải có một nghiên cứu khoa học về thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” trên cơ sở lý luận và thực tế triển khai để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầy đủ các Bước của thủ tục này. Vì vậy, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã đề xuất và được giao chủ trì nghiên cứu đề tài: “Lý luận và thực tiễn thực hiện thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng”, nghiên cứu trường hợp cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavanh (Lào)”.

Trong phạm vi nghiên cứu đặt ra, Đề tài của Cục Hải quan Quảng Trị đã giải quyết được các vấn đề:

1. Hệ thống đầy đủ khái niệm, nội dung của thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” cũng như cơ sở pháp lý, mục tiêu, yêu cầu, điều kiện để thực hiện mô hình này ở Việt Nam.

2. Đánh giá đầy đủ thực trạng quá trình triển khai áp dụng mô hình thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” áp dụng tại cửa khẩu Lao Bảo - Đensavanh; trên cơ sở đó, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai mô hình thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” cho các cặp cửa khẩu đường bộ.

3. Đề xuất được định hướng, hệ thống các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn chỉnh, đầy đủ 4 Bước của thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cửa khẩu Lao Bảo - Đensavanh.

Từ kết quả trên, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và nghiên cứu trên cơ sở tổng kết thực tiễn, các nội dung nghiên cứu của Đề tài sẽ là những nội dung hết sức thiết thực. Các giải pháp đề xuất của Đề tài cũng sẽ là những giải pháp có tính khả thi cao, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đensavanh đúng như mục tiêu đặt ra của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).