Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Chiều 11/4, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức “Phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí” đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan là thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Pháp lệnh Phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002 là hành lang pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý việc sử dụng phí và lệ phí hiệu quả. Nguồn: internet

Rà soát, loại bỏ hơn 340 loại phí, lệ phí

Tại phiên giải trình, đánh giá về tình hình thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí sau 12 năm triển khai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Pháp lệnh Phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002 là hành lang pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý việc sử dụng phí và lệ phí hiệu quả. Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành và ban hành hơn 200 văn bản quy định về phí và lệ phí.

Danh mục các loại phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh đã được quy định chi tiết gồm 301 loại phí và lệ phí, trong đó quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành đã tạo ra khung pháp lý rõ ràng, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong việc ban hành, tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí. Từ năm 2011 đến năm 2013, số thu lệ phí qua các năm lần lượt là 42.023 tỷ đồng (5,8% tổng ngân sách nhà nước - NSNN), 29.112 tỷ đồng (3,9% thu NSNN), 31.271 tỷ đồng (3,8% thu NSNN).

Việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí đã được thực hiện đúng quy định, công khai minh bạch, cơ chế quản lý phí lệ phí được đổi mới theo hướng gắn liền với thực hiện xã hội hoá, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị quản lý.

Nhiều văn bản luật về thu phí chưa thống nhất

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế 10 năm triển khai Pháp lệnh cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc. Cụ thể là thẩm quyền quyết định về thu phí, lệ phí còn chưa thống nhất, thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau như là quy định về án phí, lệ phí toà án, phí thi hành án, học phí… Do đó, cần nghiên cứu phân loại lại về thẩm quyền ban hành lệ phí, phí cho phù hợp.

Về quyền quyết định miễn, giảm phí lệ phí, mặc dù địa phương có thẩm quyền quyết định nhiều loại phí, lệ phí nhưng quyền miễn giảm lại do Chính phủ quy định. Vì vậy, đề nghị phân cấp thẩm quyền cho HĐND quy định miễn, giảm phí trong một số trường hợp.

Bên cạnh đó, thực tế đã phát sinh một số loại phí, lệ phí mới không có trong Danh mục, dù được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như phí quyền hoạt động viễn thông, phí nhượng quyền khai thác hàng không… Một số loại phí không còn phù hợp với thực tế do đã chuyển thành giá dịch vụ hoặc có xu hướng chuyển thành giá dịch vụ, hoặc thu trùng…

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào Danh mục phí, lệ phí một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các luật khác (viễn thông, hàng không...). Rà soát các khoản phí, lệ phí để sửa đổi, bổ sung theo hướng xem xét cho chuyển sang áp dụng cơ chế giá dịch vụ đối với một số dịch vụ mà tư nhân có khả năng đảm nhận, xem xét bãi bỏ một số khoản phí mà theo các quy định khác là giá hoặc quy định không thu.

Có tình trạng một số địa phương đã ban hành một số loại phí không có tên trong danh mục nhưng vẫn dùng tên gọi phí, lệ phí như các khoản thu về cơ sở hạ tầng, thu đóng góp xã hội… ngoài quy định, hay có một số khoản thu đã được miễn nhưng vẫn tiếp tục thu. Ngoài ra cũng có những khoản thu thực chất là giá dịch vụ nhưng vẫn dùng tên gọi là phí, lệ phí như phí dịch vụ chung cư, phí vận chuyển, bến bãi… Vì thế, khi phát sinh khoản thu, nhiều người dân nhầm lẫn đó là phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước, thuộc NSNN. Tình trạng trên đã dẫn đến hiểu nhầm của dư luận là có nhiều khoản thu phí, gây bức xúc.

Nghiên cứu, tăng cường phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương quyết định đối với các khoản thu phí, lệ phí, bổ sung thêm các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về phí, lệ phí. Bộ Tài chính cũng đề nghị nộp toàn bộ vào NSNN các khoản phí thu được từ hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp khoán chi phí thì được khấu trừ.

Phân biệt rõ phí và giá dịch vụ để tránh gây bức xúc

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính về những vấn đề về phí, lệ phí được các cử tri quan tâm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Ngọc Vinh, đại biểu Lê Sĩ Cương về tình trạng phí chồng phí, lạm thu đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có tình trạng một số địa phương đã ban hành một số loại phí không có tên trong danh mục nhưng vẫn dùng tên gọi phí, lệ phí như các khoản thu về cơ sở hạ tầng, thu đóng góp xã hội… ngoài quy định, hay có một số khoản thu đã được miễn nhưng vẫn tiếp tục thu. Ngoài ra cũng có những khoản thu thực chất là giá dịch vụ nhưng vẫn dùng tên gọi là phí, lệ phí như phí dịch vụ chung cư, phí vận chuyển, bến bãi…

Vì thế, khi phát sinh khoản thu, nhiều người dân nhầm lẫn đó là phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước, thuộc NSNN. Tình trạng trên đã dẫn đến hiểu nhầm của dư luận là có nhiều khoản thu phí, gây bức xúc. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, người thực hiện hiểu thế nào là phí, lệ phí, hiểu rõ bản chất các khoản thu, khoản nào là phí, lệ phí, khoản nào là đóng góp tự nguyện, huy động. Trách nhiệm của Bộ Tài chính là kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót tại các địa phương, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.

Đối với câu hỏi của đại biểu Lê Sĩ Cương về việc có những loại phí có trong danh mục nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để ban hành thu một loại phí, ngoài việc phải có tên trong danh mục, còn cần phải có đề xuất của các bộ, ngành. Cũng có một số loại phí chưa phát sinh, chưa thực hiện, nên chưa cần phải ban hành văn bản hướng dẫn.

Trước việc nhiều văn bản luật đã quy định chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, khi xây dựng Luật Phí, lệ phí sẽ rà soát lại danh mục theo hướng: Loại phí nào đã được ban hành tại các luật khác sẽ được bổ sung; đưa ra khỏi danh mục các loại phí có tên nhưng chưa phát sinh, các loại đã chuyển sang giá dịch vụ; các loại có thể chuyển sang giá dịch vụ gắn với thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá.

Trả lới câu hỏi của đại biểu Lê Sĩ Cương về việc có hay không lợi ích ngành, lợi ích địa phương trong việc thu phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định các quy định về ban hành, thu phí lệ phí hiện nay rất chặt chẽ, nên không có chuyện các cơ quan, địa phương tự đặt ra các khoản thu phí, lệ phí mới để trục lợi. 

Việc theo dõi tình hình thực hiện các loại phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh và Bộ Tài chính thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định, trường hợp phát hiện thu lớn hơn chi thì kịp thời sửa đổi văn bản, bổ sung mức thu cho NSNN.

Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục

Trước những bức xúc của một số đại biểu về việc thu phí tràn lan của nhiều cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh xã hội hoá về giáo dục đại học, dạy nghề. Bởi đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn, chỉ trông vào ngân sách và học phí như hiện nay sẽ rất khó. Giáo dục đại học là lĩnh vực có khả năng đổi mới, đẩy mạnh đầu tư xã hội nên cần được chuyển hướng theo giá dịch vụ.

Đồng thời phải rà soát lại chính sách an sinh xã hội cho đối tượng vùng sâu vùng xa, hộ nghèo, hộ chính sách, có công… để hỗ trợ đúng đối tượng; đổi mới phương pháp cấp phát ngân sách cho giáo dục đại học.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý việc thu nhiều loại phí và lệ phí không đúng quy định tại các cơ sở giáo dục.

Phát biểu trả lời tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thể hiện rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Hiện nay cơ sở quy định khung học phí là trên cơ sở chia sẻ giữa người học và Nhà nước, nhưng khoảng cách với chi phí thực tế còn rất xa. Cần phải thu ngắn khoảng cách này mới có thể đẩy mạnh chất lượng giáo dục. Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết khi phát hiện các khoản thu ngoài quy định, quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải chấn chỉnh ngay.

Tại phiên họp, đại diện các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng tham gia trả lời nhiều vấn đề được cử tri quan tâm như phí đường bộ, phí khám chữa bệnh, các khoản thu còn lại chưa xử lý tại cơ quan, địa phương…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phần trình bày của các Bộ đã làm rõ những mặt được, chưa được. Những câu hỏi của các đại biểu đặt ra là những đề bài cần tiếp tục giải quyết theo các quy định hiện hành. Các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực rất nhiều, nhưng vẫn cần cố gắng hơn nữa để quản lý tốt nguồn thu này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài chính sớm tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, để chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Luật Phí lệ phí thay thế Pháp lệnh này, tránh tình trạng không thống nhất giữa các văn bản… Trong khi chưa có Luật, đề nghị Bộ Tài chính rà soát các văn bản chồng chéo, chấn chỉnh việc thu phí, lệ phí không đúng quy định, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.