Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ nhiều vấn đề về quản lý, sử dụng tài sản công

PV.

Sáng ngày 29/5, tại chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã có phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự án Luật này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nguồn: VGP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nguồn: VGP

Tại phiên họp, dựa trên sự nhất trí của đa số các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép đổi tên Luật Quản lý tài sản Nhà nước thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Về dự án Luật này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình hoàn thiện dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tiến hành rà soát gần 90 bộ luật, luật về dân sự kinh tế. Trong đó, có 50 bộ luật và luật liên quan đến Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và đã có báo cáo rà soát.

Bộ trưởng khẳng định, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công là cơ quan, tổ chức phải tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước.

Về vấn đề tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên họp, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo thống nhất cao với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định cấm sử dụng ô tô, các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và sử dụng cho cá nhân.

Vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật lần này kế thừa Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008 về phân định chế độ quản lý sử dụng giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công.

Theo đó, tài sản tại cơ quan nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo ra dịch vụ công cung cấp cho xã hội. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng cần làm rõ chế độ quản lý sử dụng khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, tài sản công tại cơ quan nhà nước cần phải được đảm bảo việc quản lý sử dụng, tiết kiệm đúng mục địch tiêu chuẩn, định mức và tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết để đảm bảo tính nghiêm minh và tách bạch chức năng quản lý.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị này được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh và dịch vụ cho thuê, liên doanh, liên kết… nhằm tối đa hóa công năng của tài sản, góp phần thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ.  

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo toàn, phát triển vốn, tài sản Nhà nước; sử dụng tài sản đúng mục đích; việc đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp đúng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị...