Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm việc với các nhà tài trợ quốc tế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 13/5/2017, tại Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ của các nước lâu nay đã có truyền thống giúp đỡ Việt Nam. Ảnh: Đức Minh.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ của các nước lâu nay đã có truyền thống giúp đỡ Việt Nam. Ảnh: Đức Minh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế, tài chính của Việt Nam trong thời gian qua, cũng như định hướng, kế hoạch trong thời gian tới, trong đó có việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam kiên định điều hành nền kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các nỗ lực, chính sách, điều hành của Chính phủ cùng sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế và các nước đã giúp cho Việt Nam ổn định nền kinh tế vĩ mô và có sự tăng trưởng khá cao.

Do vậy, những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đã có những tiến bộ nhất định. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng đã được cải thiện.

Tới đây, Chính phủ đã họp bàn và thống nhất việc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã thông tin về tiến trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Theo đó, Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến và tới đây, tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 22/5, Bộ trưởng sẽ thừa ủy quyền của Chính phủ, báo cáo Quốc hội về dự án Luật này.

"Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số vấn đề cơ bản nhằm làm sáng tỏ các nội dung như: phạm vi nợ công (nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương); làm rõ nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả, nợ của hệ thống ngân hàng… không phải là nợ công; một số khoản nợ trong quá trình điều hành ngân sách, điều hành kinh tế phát sinh như: nợ ứng trước ngân sách (nợ đọng xây dựng cơ bản) cũng được nêu rõ trong dự thảo Luật sửa đổi lần này", Bộ trưởng khẳng định.

Thay mặt đoàn, Giám đốc Quốc gia ADB, ông Eric Sidgwick cảm ơn và đồng tình với những ý kiến phân tích và quan ngại của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về vấn đề nợ công.

"Thực tế hiện GDP Việt Nam tăng nhưng không nhanh bằng nợ công tăng. Trong đó, tỷ lệ giải ngân của vốn ODA, vốn ưu đãi còn rất thấp. Đôi khi trong một số trường hợp, các nhà tài trợ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải ngân vốn đối ứng khi thực hiện các dự án.  Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất đồng tình với việc rà soát lại, tái cơ cấu lại nợ công", ông Eric Sidgwick phát biểu.

Ông Eric Sidgwick cũng đưa ra những lý do để trả lời câu hỏi làm sao tăng cường sự phối hợp giữa quản lý nợ công với quản lý đầu tư công, đồng thời nêu lên những lợi ích khi tiếp tục sử dụng vốn của nhà tài trợ như WB, ADB, IMF...

Đề cập tới khả năng huy động vốn ODA, vốn ưu đãi, ông Eric Sidgwick cho rằng, Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA vào tháng 7/2017; tốt nghiệp vốn IMF, ADB vào 1/1/2019. Tuy vậy những khoản vốn của ADB, WB không ưu đãi như trước nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều, rẻ hơn so với vốn thương mại thông thường.

"Một trong những lợi ích nữa khi sử dụng vốn vay ưu đãi của WB, ADB,… là chúng tôi có thể huy động các khoản viện trợ không hoàn lại từ các qũy toàn cầu, chúng tôi cũng có thể đem lại công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chúng tôi có thể huy động các khoản đồng tài trợ khác của tư nhân", ông Eric Sidgwick nêu rõ.

Theo ông, bên cạnh việc tính đến khả năng sinh lời và các dự án sử dụng vốn ODA thì cũng phải tính đến lợi ích kinh tế, tốc độ phát triển của các dự án. ADB mong muốn Việt Nam sử dụng vốn ODA, vốn ưu đãi theo hướng thu hút vốn đầu tư của tư nhân.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc quốc gia WB- ông Achim Fock đề xuất, cơ quan xây dựng dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi phải làm rõ chức năng quản lý nợ công và quản lý đầu tư công, đồng thời mong muốn, giúp Chính phủ Việt Nam huy động thêm vốn từ các nhà tài trợ, trong đó thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân.

"Chúng tôi rất hiểu và ủng hộ yêu cầu phải làm sao kiểm soát mức nợ công, giảm dần nợ công xuống bằng các biện pháp thu và chi ngân sách; ủng hộ Bộ Tài chính trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình của đơn vị vay. Chúng tôi cam kết giúp Bộ Tài chính xây dựng Luật Quản lý nợ công và các luật khác để làm sao xây dựng chức năng quản lý nợ công lớn mạnh', Phó Giám đốc quốc gia WB, ông Achim Fock phát biểu.