Cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế: Dấu ấn hội nhập và đổi mới
Trong những năm qua, ngành Thuế đã tích cực đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế trong bối cảnh người nộp thuế có số lượng ngày càng tăng, quy mô và lĩnh vực hoạt động đa dạng, phức tạp nhưng nguồn nhân lực của Ngành lại có hạn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Thuế luôn hoàn thành, hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp trên giao cho.
Mục tiêu quan trọng nhất đươc đặt ra khi xây dựng chương trình cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế của cơ quan thuế là “Hoàn thành công cuộc cải cách hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế (NNT) tăng tích tụ, tăng khả năng cạnh tranh, thực sự là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước; xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế và phí, lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học theo thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao”.
Chính vì vậy, các nội dung cải cách của ngành Thuế Việt Nam trong thời gian qua luôn xoay quanh mục tiêu trên, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của Ngành, vừa hỗ trợ tạo điều kiện cho NNT thuận lợi trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Điều này được thể hiện từ khâu cải cách thể chế cho đến khâu quản lý thuế của Ngành. Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 đã làm thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế từ cơ chế chuyên quản sang cơ chế NNT tự tính, tự khai, tự nộp. Từ đó, thúc đẩy NNT tuân thủ tự nguyện nghĩa vụ đối với Nhà nước, cơ quan thuế đẩy mạnh công tác hỗ trợ NNT và tăng cường kiểm tra, giám sát, áp dụng hình thức phạt nặng đối với các trường hợp khai man, trốn thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong 5 năm gần đây, ngành Thuế Việt Nam đã triển khai thành công một số nội dung cải cách lớn như sau:
Thứ nhất, về thể chế chính sách thuế:
Thể chế, chính sách thuế đã được sửa đổi theo hướng đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu và đổi mới công nghệ. Trong đó, có 5 nội dung lớn đáng chú ý là: Đã tham mưu Bộ Tài chính trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật thuế Thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng… Đặc biệt, việc Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế theo thủ tục rút gọn trong năm 2014 triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ để cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về thuế.
Trong giai đoạn 2011-2014, ngành Thuế đã hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán nhiệm vụ thu NSNN được giao. Cụ thể, năm 2011 hoàn thành 122,7% dự toán; năm 2012 hoàn thành 106,1% dự toán; năm 2013 hoàn thành 106,1% dự toán; năm 2014 ước hoàn thành 109,1% dự toán. Thu NSNN bình quân giai đoạn 2011-2014 ước đạt khoảng 22 - 23% GDP. Năm 2015, mặc dù bối cảnh giá dầu thô giảm sâu so với năm 2014 nhưng với nỗ lực và quyết tâm của cán bộ công chức toàn ngành Thuế hứa hẹn kết quả thu cả năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu Đảng và Nhà nước giao cho.
Cùng với đó, trong những năm qua, ngành Thuế đã ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế nhằm tăng cường tiềm lực tài chính để phát triển kinh tế và đảm bảo củng cố an ninh quốc phòng theo hướng giảm bớt nghĩa vụ thuế cho DN và người dân, tạo thêm nguồn vốn cho DN tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời, thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN. Những sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ hai, về quản lý thuế
Một là, đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, thực hiện cơ chế liên thông giữa thủ tục hành chính thuế với một số thủ tục hành chính khác có liên quan, nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho DN và người dân. Theo đó, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan công an tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, chứng nhận con dấu cho DN; phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường trong thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo Đề án 30C của Chính phủ; thường xuyên theo dõi, thống kê và kiểm soát kịp thời các thủ tục hành chính thuế. Công khai danh mục các thủ tục hành chính thuế tại bộ phận “một cửa” tại cơ quan thuế các cấp. Đồng thời, thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 02/06/2010 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ. Đến nay, ngành Thuế đã hoàn thành 100% việc thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính (đơn giản hóa 222/222 thủ tục hành chính).
Bên cạnh đó, giai đoạn 2011- 2013 đã trình Quốc hội thông qua các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế. Theo đó, đã bổ sung quy định giảm tần suất kê khai, nộp thuế đối với NNT có quy mô vừa và nhỏ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời gian kiểm tra hoàn thuế… góp phần tạo thuận lợi cho NNT, hoàn chỉnh và đồng bộ khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Trong năm 2014, thực hiện Nghị quyết số 19/ NQ-CP về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 2 Thông tư: (1) Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 111/2013/TT-BTC, Thông tư số 156/2013/TT-BTC, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Thông tư số 08/2013/ TT-BTC, Thông tư số 85/2011/TT-BTC, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 78/2014/TT-BTC về cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế; (2) Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định về thuế; điều chỉnh, sửa đổi một cách cơ bản các quy định về kê khai thuế nhằm rút ngắn đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là nội dung về kê khai thuế giá trị gia tăng và thu nhập DN - hai sắc thuế mang tính phổ biến và có số lượng hồ sơ khai thuế lớn nhất hiện nay.
Song song với biện pháp cải cách thủ tục hành chính, ngành Thuế đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, phố biến, công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính thuế từ nhiều năm nay tại từng cấp, thực hiện từ Trung ương đến địa phương; thường xuyên chấn chỉnh thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế trong thực thi công vụ. Riêng năm 2014 và đầu năm 2015, ngành Thuế đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng 44 quy trình, quy chế và sổ tay nghiệp vụ. Rà soát, hệ thống hóa danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế gồm 421 thủ tục hành chính (trong đó cấp Tổng cục Thuế 4 thủ tục, cấp Cục thuế 236 thủ tục, cấp Chi cục Thuế 181 thủ tục).
Ngoài ra, ngành Thuế đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với NNT, từ đó giải đáp kịp thời các vướng mắc về chính sách thuế mới và ghi nhận các ý kiến đóng góp để xem xét, chấn chỉnh hoặc hoàn thiện chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 qua đó đã cắt giảm 10 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế. Tiếp đó, ngày 22/6/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập DN, qua đó đã cắt giảm 31 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Hai là, xây dựng và triển khai đa dạng các dịch vụ tuyên truyền, hỗ trợ NNT thực hiện thủ tục hành chính thuế, trong đó đặc biệt chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử. Đến nay, ngành Thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng internet đối với 98% số DN đang thuộc diện quản lý thuế. Đồng thời, tiếp tục triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương, với số DN tham gia là 374.854 (tính đến ngày 21/7/2015). Không chỉ có vậy, toàn Ngành còn mở rộng việc kết nối thông tin tích hợp tự động Kho bạc - Thuế - Hải quan - Tài chính tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó đang tổ chức triển khai áp dụng chữ ký số vào việc trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu NSNN giữa 4 ngành (Thuế, Kho bạc, Hải quan, Tài chính)…
Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ NNT thông qua việc phát triển hệ thống đại lý thuế, tính đến hết tháng 11/2014 đã có 201 đại lý thuế được thành lập và hoạt động với 498 nhân viên đại lý thuế hành nghề (năm 2010, cả nước có 41 đại lý thuế với 87 nhân viên đại lý thuế hành nghề).
Ba là, triển khai, hiện đại hóa hệ thống thuế theo hướng áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Cụ thể, ngành Thuế bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, nguyên tắc quản lý thuế đối với NNT đáp ứng tiêu chí xếp hạng ưu tiên và “quản lý rủi ro trong quản lý thuế”; bổ sung quy định nguyên tắc thực hiện kiểm tra thuế dựa theo tiêu thức quản lý rủi ro qua phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật của NNT; lựa chọn theo ngành nghề, quy mô, địa bàn để kiểm tra.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, những năm qua, ngành Thuế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, giám sát sự tuân thủ NNT. Theo đó, bộ tiêu chí rủi ro phục vụ phân tích, nhận dạng rủi ro về thuế tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào sử dụng Ứng dụng lập kế hoạch thanh tra (TPR). Hệ thống cơ sở dữ liệu NNT tiếp tục được ngành Thuế chú trọng xây dựng, tích hợp theo hướng tập trung, đảm bảo đầy đủ, chính xác bước đầu đã đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin để xác định đối tượng và nội dung thanh tra, kiểm tra.
Các ứng dụng phục vụ thanh tra, kiểm tra NNT, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã được nâng cấp kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý thuế. Số NNT nợ thuế và số thuế nợ đọng của từng NNT được rà soát, xác định, phân loại, theo dõi trên hệ thống ứng dụng quản lý nợ làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu thu nợ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thu nợ thuế. Nguyên nhân, tình trạng nợ thuế được xác định làm cơ sở áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp, hiệu quả.
Ngành Thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng internet đối với 98% số DN đang thuộc diện quản lý thuế, triển khai nộp thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với số DN tham gia là 374.854 (tính đến ngày 21/7/2015).
Bốn là, xây dựng cơ sở dữ liệu NNT theo hướng tập trung, đầy đủ, chính xác, thống nhất trên phạm vi cả nước. Ngành Thuế đã nâng cấp và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung giai đoạn 2 cho các Cục Thuế và Chi cục Thuế theo mô hình Cục trên toàn quốc. Quan trọng là, về cơ bản, trong toàn Ngành đã hoàn thành việc phân tích, thiết kế các chức năng quản lý thuế để thực hiện dự án nâng cấp kiến trúc hệ thống ứng dụng hiện hành từ phân tán lên mô hình xử lý tập trung TMS. Đến nay, ngành Thuế đã hoàn thành việc triển khai cho 25/63 Cục Thuế trên toàn quốc và hiện đang triển khai cho 2 Cục Thuế TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, ngành Thuế tiếp tục chú trọng, tập trung xây dựng, nâng cấp và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế. Hơn nữa, ngành Thuế còn triển khai thành công các ứng dụng quản lý thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân, ứng dụng quản lý hóa đơn, ấn chỉ… Hệ thống ứng dụng hỗ trợ NNT được nâng cấp, hoàn thiện đã triển khai mở rộng các ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế áp dụng mã vạch hai chiều.
Năm là, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực ngành Thuế được sắp xếp, kiện toàn theo hướng chú trọng, tập trung quản lý các địa bàn trọng điểm, các DN lớn đa ngành nghề, các lĩnh vực có số thu ngân sách lớn; Chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng, vừa có trình độ chuyên môn sâu trong tất cả các lĩnh vực quản lý thuế, vừa có đạo đức nghề nghiệp trong thi hành công vụ; Gắn việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức, mức độ tín nhiệm với lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ công chức.
Sáu là, xây dựng tiêu chí và áp dụng phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động của Ngành phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa để nhìn nhận những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế, từ đó kịp thời đưa ra những đề xuất, giải pháp, làm căn cứ cho ngành Thuế nói chung và các Vụ/đơn vị/Cục Thuế nói riêng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công việc trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020.