Chủ động, nỗ lực nâng cao vị thế ngành Dự trữ Quốc gia

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 với nhiều điểm mới, Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) được xem là “đòn bẩy” để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện xây dựng ngành DTQG ngày càng lớn mạnh. Thực tế sau 1 năm triển khai Luật DTQG cho thấy, ngành DTQG đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành Dự trữ quốc gia đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn: Internet
Ngành Dự trữ quốc gia đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn: Internet
Không để chậm thi hành luật vì thiếu hướng dẫn

Để Luật DTQG thực sự đi vào đời sống và triển khai có hiệu quả thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật giữ vai trò vô cùng quan trọng. Nhận thức được điều này, ngay sau khi được Bộ Tài chính chỉ đạo, Tổng cục DTNN đã chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DTQG mà bước đi đầu tiên là xây dựng để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 quy định chi tiết thi hành Luật DTQG. Có thế nói, đây là điểm nhấn có tầm quan trọng đặc biệt vì ngoài việc quy định chi tiết thi hành Luật DTQG, Nghị định còn đánh dấu việc hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2013 do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) là cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện.

Đồng thời, để có đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định, Tổng cục DTNN đã xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành 08 Thông tư hướng dẫn như: quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; thuê bảo quản hàng DTQG; hướng dẫn xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG; chế độ phụ cấp thâm niên nghề và chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác DTQG…

Đặc biệt, với Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013 hướng dẫn về kế hoạch DTQG và ngân sách nhà nước chi cho DTQG nhận được sự đánh giá rất cao các Bộ, ngành và các chuyên gia. Bởi trước đây, các chi phí nghiệp vụ DTQG chưa được áp dụng thống nhất trong ngành DTQG; mỗi bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện theo văn bản quy định riêng của bộ, ngành mình, chưa có hướng dẫn thống nhất đối với các tổ chức, doanh nghiệp được bộ, ngành quản lý hàng DTQG thuê bảo quản hàng DTQG. Để tháo gỡ vướng mắc, Thông tư 145/2013 đã hướng dẫn cụ thể nội dung chi, cơ cấu chi rõ ràng; phân định rõ nội dung chi tại đơn vị quản lý và đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; đơn vị được giao dự toán NSNN và đối với các tổ chức, doanh nghiệp được bộ, ngành quản lý hàng DTQG thuê bảo quản hàng DTQG, tạo cơ sở pháp lý cho công tác lập dự toán, điều hành.

Bước đột phá đáng khích lệ

Có thể khẳng định rằng nhờ sự nỗ lực cũng như có sự chủ động trách nhiệm cao nên chỉ sau 1 năm thực hiện Luật, ngành DTQG đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Trên thực tế cho thấy, nhờ có các văn bản hướng dẫn nên việc áp dụng các quy định của Luật DTQG đã thông thoáng hơn, tạo ra những bước chuyển biến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết những tình huống đột xuất, cáp bách xảy ra tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động DTQG đối với các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến việc hình thành, quản lý, sử dụng DTQG.

Điển hình như  trong các tình huống đột xuất, cấp bách, các đồng chí Bộ trưởng đã áp dụng thẩm quyền xuất cấp hàng DTQG (với mức xuất cấp dưới 1 tỷ đồng) được quy định trong Luật DTQG để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ phát sinh trong các tình huống cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ quốc gia. Từ xác định đúng về vị trí, vai trò, nhiệm vụ quản lý nhà nước về DTQG của Bộ Tài chính và của cơ quan DTQG chuyên trách, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về DTQG được Tổng cục DTNN triển khai thực hiện ngay từ năm 2013 tại một số đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hàng DTQG của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ mới do Thủ tướng Chính phủ giao như xuất cấp gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ….

Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước chia sẻ: Cái được lớn nhất sau 1 năm triển khai Luật DTQG là ngành DTQG đã khẳng định vị trí, vai trò của DTQG trong đời sống xã hội. Bằng những nỗ lực, chủ động, sáng tạo của mình, Tổng cục DTNN đã tích cực đưa Luật DTQG vào cuộc sống. Chính vì thế, hoạt động DTQG ngày càng có nhiều đóng góp cho phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đây mới chỉ là bước đầu tạo đà cho những bước tiếp theo trong quá trình quản lý hoạt động DTQG của Bộ Tài chính, của các bộ, ngành và của Tổng cục DTNN.

“Trong thời gian tới với chức năng là cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước về DTQG, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục chủ động tham mưu để Bộ Tài chính, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng kế hoạch 5 năm về DTQG trình Quốc hội phê duyệt; trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội để triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm và xây dựng chương trình hành động thực hiện các mục tiêu chiến lược DTQG”,   Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh./.