Chương trình hành động thực hiện chiến lược tài chính đến 2020

PV.

(Tài chính) Triển khai thực hiện Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược tài chính đến năm 2020”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính vừa tổ chức thành công Hội thảo “Chương trình hành động thực hiện chiến lược tài chính đến 2020” tại Hội An (Quảng Nam).

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Chương trình hành động là căn cứ cho các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà Chiến lược tài chính đã xác định cùng với việc tổ chức thực thiện các chiến lược phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền thông qua.

Mục tiêu của Hội thảo là xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong Chiến lược tài chính, trên cơ sở bao quát tổng hợp của Bộ Tài chính để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tài chính tổ chức thực hiện hướng tới xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, giữ vững an ninh tài chính, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; Cùng đó là huy động, quản lý, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Tại Hội thảo, với mục tiêu là xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong Chiến lược tài chính, trên cơ sở bao quát tổng hợp của Bộ Tài chính để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tài chính tổ chức thực hiện hướng tới xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, giữ vững an ninh tài chính, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; Cùng đó là huy động, quản lý, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính. Từ đó, xác định những nhiệm vụ cụ thể như:

(i) Tiếp tục xử lý tốt các mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích luỹ cho đầu tư phát triển, hướng dẫn tiêu dùng; thu hút hợp lý các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

(ii) Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN); duy trì dư nợ chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn an toàn; tăng cường dự trữ nhà nước đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất của nền kinh tế.

(iii) Phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; mở rộng và đa dạng hoá các hình thức hoạt động trên thị trường để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

(iv) Tổng thu thuế và phí giai đoạn 2011 - 2015 là 22 - 23% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 là 21 - 22% GDP; trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu NSNN và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN.

(v) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường đầu tư phát triển con người; cải cách cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công, tài chính doanh nghiệp nhà nước; cải cách tiền lương; củng cố hệ thống an sinh xã hội.

(vi) Cuối cùng là, tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đổi mới bộ máy ngành Tài chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện theo kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính, bà Hoàng Thị Lan Anh, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, , Tổng cục Thuế đã và đang khẩn trương thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt tập trung nâng cao năng lực hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, bà Lan Anh đã chỉ rõ những kết quả đạt được, cũng như hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện, xác định rõ nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết hiệu quả. Do vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoàn thuế, tiến hành đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm chống gian lận thuế…

Theo ông Kim Long Biên, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, ngành Hải quan đã tiến hành bước đầu cải cách hiện đại hoá nhằm đảm bảo sự phù hợp, tương thích với xu thế phát triển chung và hoà nhập với  hải quan thế giới và khu vực. Chỉ tiêu cụ thể ngành Hải quan đặt ra về tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá đến năm 2015 là dưới 10% và đến năm 2020 phấn đấu đạt dưới 7%; Tỷ lệ các giấp phép xuất nhập khẩu thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến năm 2015 là 50% và 2020 là 90%; 90 - 95% thu nộp thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử…

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nhất trí với 08 nhóm giải pháp và 80 đề án thực hiện trong Chiến lược tài chính đến năm 2020. Tuy nhiên, việc sắp xếp đề án và thực hiện các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sẽ được cân nhắc để đảm bảo việc thực hiện Chiến lược tài chính tổng thể được thông suốt, có hiệu quả trong toàn ngành Tài chính.