Chuyên gia IMF: Cần nhận diện các công cụ quản lý nợ ở Việt Nam

Văn Trường

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tư vấn đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ công, do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức tại Ba Vì – Hà Nội, ngày 15/4/2016.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Trường


Dự hội thảo có đại diện của các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách, Viện Kinh tế Việt Nam… cùng các chuyên gia tư vấn đến từ IMF.

Mục đích của Hội thảo là nhằm tổng kết đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 6 năm thực hiện để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thảo luận về kinh nghiệm quản lý nợ công của một số nước, từ đó đưa ra khuyến nghị định hướng đối với Việt Nam để làm cơ sở nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý nợ công trong thời gian tới.

Nhận diện các tiêu chí quản lý nợ

Điều đặc biệt tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ công, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia tư vấn IMF chia sẻ về các tiêu chí xác định về danh mục các khoản nợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để từ đó đưa ra chính sách quản lý nợ hiệu quả.

Mở đầu Hội thảo,ông John Gardner, Trưởng đoàn chuyên gia IMF đã trình bàytham luận “Quản lý nợ công: Mục tiêu, phạm vi, phối hợp”. Trong đó, làm rõ mục tiêu, phạm vi, các hoạt động trong quản lý nợ công.

Theo ông John Gardner, để quản lý nợ công hiệu quả cần có các tiêu chí như: Cơ cấu tiền tệ - nội/ngoại tệ; thời gian đáo hạn trung bình- quy mô nợ có thời gian đáo hạn dưới 1 năm; thời gian vay; cơ cấu các khoản vay có lãi suất cố định/thả nổi; các chỉ số khác (Ví dụ: khoản nợ có tương quan với lạm phát). Đây là những tiêu chí quan trọng vì chúng được sử dụng để kiểm soát rủi ro tài khóa trong danh mục nợ.

Phân tích tính bền vững nợ công, ông Jonh Gardner cho rằng, các cơ quan hữu quan cần phối hợp phân tích kinh tế vĩ mô – cả đầu vào và đầu ra, nhằm so sánh kịch bản kinh tế thực tế để xác định mức đầu tư từ ngân sách phù hợp với trung hạn. “Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiệm vụ này thường được giao cho Vụ Ngân sách hoặc một đơn vị cố vấn độc lập cho Bộ trưởng Bộ Tài chính”, ông nói.

Để phân tích tính bền vững nợ cần thông tin đầu vào về danh mục nợ để theo dõi tỷ lệ nợ trong tương lai và các chiến lược nợ nhằm phân tích các kịch bản thực tế. Chiến lược nợ cần thông tin đầu vào là chính sách tài khóa.

Đánh giá về hoạt động quản lý nợ công ở Việt Nam, Trưởng đoàn Chuyên gia IMF Jonh Gardner cho rằng, trong 5 năm qua, theo Luật Quản lý nợ công hiện hành đã có những tiến bộ đáng kể. Chiến lược quản lý nợ công đã được xây dựng; thị trường chứng khoán Chính phủ trong nước đã phát triển tốt; các Nghị định, quyết định về chức năng liên quan đã có hiệu lực.

Ông cũng chỉ ra những thách thức trong quản lý nợ công ở VIệt Nam khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình làm giảm mức vay ưu đãi mà Việt Nam được hưởng những đồng thời cũng mở ra khả năng tiếp cận thị trường nợ trên thế giới khi các nhà đầu tư trở nên quan tâm tới thị trường nợ Việt Nam với mức tín dụng cao hơn.

Chỉ rõ về các công cụ quản lý nợ, ông Mike Williams – Chuyên gia IMF nhấn mạnh về 6 cơ sở thực hành tốt trong quản lý nợ Chính phủ bao gồm: (1) mục tiêu quản lý nợ; (2) minh bạch và trách nhiệm giải trình; (3) khung thể chế; (4) chiến lược quản lý nợ; (5) khung quản lý rủi ro; (6) phát triển và duy trì một thị trường chứng khoán hiệu quả.

Đặc biệt, chuyên gia này còn phân tích vai trò qua trọng của xây dựng Chiến lược quản lý nợ trung hạn (MTDS) để triển khai các mục tiêu về quản lý nợ đã được thống nhất ở cấp cao nhằm đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về cấp vốn; thể hiện các ưu tiên về chi phí rủi ro; xây dựng các kế hoạch vay trong đó nêu rõ cấu phần nợ được ưu tiên, có tính đến những khó khăn; đề cập đến các mục tiêu chỉ số rủi ro chính (ngoại tệ/nội tệ, nợ dài/ngắn hạn, lãi suất cố định/thả nổi…).

Bàn về vấn đề tầm quan trọng của Chiến lược quản lý nợ trung hạn (MTDS) chính thức, ông Mike Williams cho rằng, đây là khuôn khổ rõ ràng để đưa ra các chọn lựa nhằm các mục đích: giảm cơ hội cho các giải pháp tài khóa ngắn hạn; đảm bảo tính thống nhất trong các chiến lược vay; góp phần xác định các khó khăn (ví dụ: phát triển thị trường)

Nên có một cơ quan quản lý nợ công?

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận xung quanh vấn đề có nên hình thành một cơ quan quản lý nợ công độc lập ở Việt Nam hay không? Đưa ra câu trả lời về vấn đề này tại Hội thảo, ông Andrew Turner, chuyên gia IMF đã phân tích tập trung vào hai vấn đề: (i) tính rõ ràng và minh bạch; (ii) tăng cường năng lực, hiệu quả và hiệu lực.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về mô hình tổ chức của cơ quan quản lý nợ, ông Andrew Turner cho biết, trong 25 năm qua, các nước OECD đã áp dụng một số mô hình thể chế khác nhau như: Cơ quan quản lý nợ thuộc Bộ Tài chính (Italia, Hy Lạp); cơ quan quản lý nợ là cơ quan độc lập trong Bộ Tài chính (Australia, New Zealand, Hà Lan, Anh, Bì, Pháp); cơ quan quản lý nợ thuộc Ngân hàng Trung ương (Đan Mạch); cơ quan quản lý nợ thuộc Ngân hàng Trung ương (Đan Mạch)…

Hiện nay, ở Việt Nam có sự phân tán điều phối chung về quản lý nợ, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan trong việc quản lý nghĩa vụ nợ.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông John Gardner cho rằng, mục tiêu cuối cùng để quản lý nợ hiệu quả là phải thống nhất trong 1 cơ quan quản lý theo Luật Quản lý nợ công. Ở Việt Nam ban hành kế hoạch vay hàng năm, không có cơ quan nào được đi vay độc lập mà nằm ngoài kế hoạch đã đề ra. Khoản vay này phải nằm trong kế hoạch vay trung hạn.

Về vấn đề này, ông Mike Williams, chuyên gia IMF chia sẻ, hiện ở Anh có nhiều mô hình quản lý nợ công khác nhau. Nhưng nhìn chung, người đứng đầu cơ quan quản lý nợ là Giám đốc điều hành, có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý nợ với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh hàng tháng./.

Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra 1 ngày tại Ba Vì – Hà Nội, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đến từ IMF trình bày 4 bài tham luận với các nội dung: (1) Quản lý nợ công: Mục tiêu, phạm vi, phối hợp; (2) Quản lý nợ công: Cơ cấu tổ chức, vai trò và quan hệ với các cơ quan khác; (3) Quản lý nợ Chính phủ: Các công cụ quản lý; (4) Các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Đồng thời, các diễn giả, chuyên gia quốc tế cũng thảo luận làm rõ về các vấn đề bảo lãnh và cho vay lại, các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ… liên quan đến quản lý nợ công.