Đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước cho công tác dự trữ quốc gia

PV.

Trước kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình liên quan đến nguồn lực từ ngân sách nhà nước phục vụ cho công tác dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời cụ thể về vấn đề này.

Đến năm 2017, tất cả các các mặt hàng trong danh mục dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (hoặc tiêu chuẩn cơ sở) và định mức kinh tế kỹ thuật. Nguồn: internet
Đến năm 2017, tất cả các các mặt hàng trong danh mục dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (hoặc tiêu chuẩn cơ sở) và định mức kinh tế kỹ thuật. Nguồn: internet

Hàng dự trữ quốc gia đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp bách

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tăng tổng mức dự trữ quốc gia nói chung và dự trữ quốc gia trên từng địa bàn khu vực nói riêng nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2017, số lượng hàng do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý đưa vào dự trữ quốc gia gồm: 170.000 tấn gạo, 80.000 tấn thóc, 66 bộ xuồng cao tốc các loại, 8.000 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 2.000 bộ bè nhẹ cứu sinh, 100 bộ máy bơm nước chữa cháy, 50 bộ thiết bị khoan cắt, 30 chiếc máy phát điện loại 15- 30 KVA, 100.000 chiếc phao áo cứu sinh và 100.000 chiếc phao tròn cứu sinh; tổng giá trị ước tính khoảng 2.240 tỷ đồng.

Trong đó, tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên (đơn vị được giao quản lý trên địa bàn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã tổ chức nhập mua các mặt hàng: 04 bộ xuồng cao tốc các loại, 400 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 15.000 chiếc phao áo cứu sinh, 5.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 10 bộ máy bơm nước chữa cháy, 05 bộ thiết bị khoan cắt, 100 bộ bè cứu sinh nhẹ và nhập mua 8.000 tấn gạo và 5,000 tấn thóc; tổng số lượng lương thực hiện có tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên là 10.000 tấn gạo nhập kho năm 2017 và 11.000 tấn thóc (gồm 5.000 tấn thóc nhập kho năm 2016 và 6.000 tấn thóc nhập kho năm 2017).

Như vậy, với số lượng hàng dự trữ quốc gia đang bảo quản tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên như trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu xuất cấp để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách xảy ra trên địa bàn (trong đó có tỉnh Quảng Bình).

100% hàng dự trữ đã có quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật

Trước kiến nghị xây dựng hoàn chỉnh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia đối với những danh mục mặt hàng còn thiếu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác
quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

Đến năm 2017, tất cả các các mặt hàng trong danh mục dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (hoặc tiêu chuẩn cơ sở) và định mức kinh tế kỹ thuật. Hàng năm, Bộ Tài chính đều giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước (đơn vị dự trữ quốc gia chuyên trách) thực hiện rà soát, đánh giá để hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia; xây dựng Quy chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật cho các mặt hàng mới đưa vào danh mục, đồng thời sửa đổi, thay thế những Quy chuẩn, định mức không còn phù hợp.

Bổ sung nguồn vốn mua bù lượng hàng đã xuất cấp

Về kiến nghị kịp thời cấp vốn để mua bù số lượng hàng đã xuất cấp phục vụ an sinh xã hội, cứu trợ, viện trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp.

Theo đó, hàng năm, căn cứ kết quả xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo các Quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vốn mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp.

Riêng đối với mặt hàng lương thực, Bộ Tài chính cho biết, cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp không thu tiền khoảng 90.000 tấn gạo để cứu trợ, viện trợ, trị giá khoảng 850 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bố trí bổ sung nguồn vốn mua bù theo đúng quy định.