Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc (Giai đoạn 1955 - 1957)

HÀ DUNG

(Tài chính) Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc độc lập, vai trò của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã bước sang một tầm cao mới. Tổ chức Đảng được kiện toàn, xây dựng, các tổ chức đoàn thể lần lượt ra đời, so với thời kỳ trước đã vững mạnh hơn cả về lượng và chất.

Đội quân Tài chính hoà trong đoàn quân cách mạng về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954
Đội quân Tài chính hoà trong đoàn quân cách mạng về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954

Nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong thời kỳ khôi phục kinh tế

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong hoàn cảnh nền kinh tế bị tàn phá nặng nề.

Tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị đã họp và đề ra nhiệm vụ: Ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất nhằm giảm bớt khó khăn về cho đời sống nhân dân, phát triển kinh tế có kế hoạch, mở rộng giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn.

Để đảm bảo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trên, tài chính phải kịp thời có những giải pháp: bãi bỏ các thứ thuế nô dịch và bất công trong vùng tạm chiếm cũ, đồng thời thi hành một số biện pháp tạm thời về thuế nhằm đảm bảo nhiệm vụ được giao. Những biện pháp đúng đắn trên đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), xóa bỏ một bước sự khác nhau về chế độ động viên đóng góp giữa hai vùng, thống nhất giá cả, tiền tệ, hạn chế đầu cơ tích trữ, ổn định thị trường và đời sống nhân dân.

Chế độ thuế được sửa đổi và thực hiện thống nhất giữa hai vùng đã bảo đảm nguồn thu lớn cho NSNN. Nhờ có nguồn thu tương đối vững, Nhà nước đã có thể dành xấp xỉ 40% số chi của ngân sách trong thời kỳ này vào việc khôi phục và phát triển kinh tế, giúp cho kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế được thuận lợi.

Chuẩn bị bước vào kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957), Nhà nước đã công bố hệ thống chính sách thuế thành thị với yêu cầu tăng cường tích lũy vốn để kiến thiết quốc gia, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của NSNN, góp phần ổn định tiền tệ, giá cả, hướng dẫn sản xuất kinh doanh có lợi cho quốc kế dân sinh. Trong năm 1957, các chế độ quản lý tài chính khu vực kinh tế quốc doanh đã từng bước được triển khai và thực hiện có nền nếp, theo nguyên tắc hạch toán xã hội chủ nghĩa.

Sự ra đời của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính

Sau ngày tiếp quản thủ đô, cơ quan Bộ Tài chính từng bước được củng cố, kiện toàn; lực lượng cán bộ tài chính được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động tài chính được đẩy mạnh nhằm phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Đầu năm 1955, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính chính thức được thành lập trên cơ sở nâng cấp Chi bộ Tài chính. Đảng bộ cơ quan Bộ được xác định là Đảng bộ cơ sở do đồng chí Nguyên Cảo giữ chức Bí thư; đồng chí Nguyễn Sơn, giữ chức Phó Bí thư và đồng chí Trần Quang Đạt là Ủy viên Thường vụ. Đảng bộ cơ quan Bộ ra đời đã giúp tăng cường việc lãnh đạo cán bộ, đảng viên quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; tổ chức thực hiện có kết quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong hai năm (1955 - 1956), vươn lên cân bằng được thu chi ngân sách một cách tích cực, trên cơ sở tỷ lệ nguồn thu trong nước ngày càng tăng lên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong giai đoạn này. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy cơ quan Bộ, các tổ chức đoàn thể được củng cố, kiện toàn, đi vào hoạt động phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới.

Ngày 14/4/1956, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc cơ quan Bộ Tài chính được thành lập. Đảng ủy đã chỉ định đồng chí Trần Hải Đường, một đảng viên trẻ có kinh nghiệm giữ chức Bí thư Chi đoàn và giao nhiệm vụ cho một số đảng viên đang còn tuổi thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn. Như vậy, đây là lần đầu tiên cơ quan Bộ Tài chính có tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc.

Một mốc son trong thời kỳ này là Đại hội Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính lần thứ I, nhiệm kỳ 1957-1958, được tiến hành vào tháng 3/1957. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí chính thức và 2 đồng chí dự khuyết. Đồng chí Trịnh Huy Quang, giữ chức Bí thư Đảng bộ; đồng chí Nguyễn Sơn là Phó Bí thư Đảng bộ. Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách được Đảng và Chính phủ giao, cụ thể:

- Tiếp tục hoàn thiện chế độ quản lý tài chính ngân sách theo nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt đối với khu vực kinh tế quốc doanh và kiến thiết cơ bản.

- Về thu: Số thu trong nước tăng nhanh, năm 1957 gần gấp đôi năm 1956; trong đó thu từ xí nghiệp quốc doanh tăng nhanh nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu ngân sách.

- Về chi: Năm 1956 tăng 56% so với năm 1955, năm 1957 tăng 12,7% so với năm 1956. Trong thời kỳ này khỏan chi cho xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa chiếm tỷ trọng lớn, năm sau cao hơn năm trước.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên) cơ quan Bộ tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đi vào hoạt động nền nếp và có hiệu quả hơn.

Sự ra đời của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính trong thời kỳ khôi phục kinh tế 1955 - 1957 đã đánh dấu bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng của ngành Tài chính. Từ đây, vai trò chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan Bộ đã có tổ chức Đảng chỉ đạo và định hướng tương xứng, bên cạnh đó là sự chỉ đạo các đoàn thể để cùng với Đảng đoàn Bộ (Ban Cán sự Đảng) và Lãnh đạo Bộ, đưa ngành Tài chính cách mạng Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 3 - 2014