Đem hào khí tháng Tám vào công tác tài chính – ngân sách

PV.

(Tài chính) Thiết thực kỷ niệm 69 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2014), tinh thần và hào khí của Cách mạng tháng Tám đang dâng lên mạnh mẽ trong hơn 8 vạn cán bộ, công chức toàn Ngành với quyết tâm thực hiện thắng lợi công tác tài chính - ngân sách năm 2014. Tinh thần ấy đang biến thành động lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu, đặc biệt là thực hiện thắng lợi Chỉ thị 24/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo đột phá lớn trong cải cách hành chính lĩnh vực thuế, hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Gần bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ thời khắc vinh quang và chói lọi, toàn thể dân tộc ta vùng lên chặt đứt xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành lấy nền độc lập, tự do. Cứ mỗi lần tháng Tám về, hào khí của Mùa thu Cách mạng lại trở thành âm hưởng đặc biệt trong mỗi con người Việt Nam. Dường như ký ức hào hùng và tinh thần xả thân vì Tổ quốc của lớp lớp cha anh dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng lại tái hiện tươi rói, trở thành niềm tự hào to lớn cho toàn thể dân tộc, là động lực vượt khó cho chặng đường sắp tới với một niềm tin bất diệt vào tương lai tươi đẹp.

Như vẹn nguyên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên phố phường Hà Nội, rực rỡ giữa nắng thu. Như còn đó hình ảnh những dòng người cuộn dâng như thác đổ với quyết tâm giành độc lập cũng như đem cả gia tài và tính mạng sẵn sàng bảo vệ Nhà nước Công nông non trẻ. Và hình bóng vị Cha Già Dân Tộc trên quảng trường Ba Đình tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới về một nước Việt Nam độc lập, một nước Việt Nam sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ gìn nền độc lập ấy mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất, thiêng liêng nhất, trở thành một giá trị vĩnh cửu và bất diệt trong lịch sử hiện đại của đất nước chúng ta.

Minh chứng cho lời khẳng định chân lý của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc ta đã phải đi qua hai cuộc chiến tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược hào hùng và lẫm liệt với tròn 30 năm không nghỉ để thực sự có hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Và để có dải đất hình chữ S hiên ngang trên bản đồ thế giới, đang không ngừng vươn lên hội nhập với bè bạn quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của nước Việt đã ngã xuống, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, hàng ngàn bà mẹ Việt Nam đã dâng hiến cho Tổ quốc những người con cuối cùng…

Có lẽ sống trong những ngày “sóng gió” của năm 2014, khi một lần nữa chủ nghĩa bành chướng gây hấn ở Biển Đông, muốn dùng sức mạnh phi nghĩa chà đạp lên chân lý và lẽ công bằng, tinh thần của Cách mạng tháng Tám, của Điện Biên Phủ và Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975 lại trở về mạnh mẽ trong mỗi người Việt Nam. Trong những ngày chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị xâm lấn, đe dọa, hơn lúc nào hết, những ký ức hào hùng của dân tộc trong suốt 69 năm bền bỉ chiến đấu và dựng xây lại giúp 90 triệu người xích lại gần nhau, trở thành một khối đoàn kết thống nhất, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc bằng tiếng nói chính nghĩa. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với những chiến thắng lừng lẫy của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và mới nhất là đánh bại hai đế quốc xâm lăng mạnh hơn ta gấp nhiều lần đã cho chúng ta niềm tin bất diệt vào chính nghĩa sẽ thắng hung tàn; vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam không bao giờ biết cúi đầu, lùi bước.

Đi ra từ những cuộc chiến tranh với bao mất mát, đau thương, hơn lúc nào hết, toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu được cái giá của chiến tranh để luôn yêu chuộng hòa bình và sẽ làm hết mình để bảo vệ chủ quyền bằng giải pháp hòa bình, nhưng cũng sẵn sàng có đủ sức mạnh để đập tan mọi kẻ thù xâm lược. Tinh thần của Cách mạng Mùa Thu cho chúng ta điểm tựa và niềm tin đó, không chỉ cho hôm nay mà mãi mãi mai sau…

Ra đời ngày 28/8/1945, ngành Tài chính Việt Nam như những ngành tiêu biểu của đất nước đã nhanh chóng trưởng thành vượt bậc cùng với chính quyền của Nhà nước Công nông non trẻ để ghi những dấu ấn sáng ngời trên mỗi chặng đường Cách mạng. Không chỉ tập hợp thành công sức người, sức của, điều tiết các nguồn lực đất nước, giúp Chính phủ thực hiện thắng lợi hàng loạt mục tiêu lớn, quan trọng trong những năm gian nan, trứng nước, ngành Tài chính Việt Nam còn gánh vác những trọng trách vô cùng nặng nề trong những năm tháng đất nước có chiến tranh.

Vừa không ngừng tự trưởng thành về mọi mặt để ngày càng chuyên nghiệp hơn, kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cũng như ban hành các chính sách tài chính phù hợp với mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, ngành Tài chính còn phải thực hiện cùng lúc hai sứ mệnh là phục vụ kiến quốc và đảm bảo công tác hậu cần cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vinh quang của thắng lợi từ hai cuộc chiến tranh càng lớn bao nhiêu thì trách nhiệm của công tác tài chính thời hậu chiến với nền kinh tế bị tàn phá càng nặng nề và dai dẳng bấy nhiêu… Nhưng nhờ có truyền thống vượt khó được Đảng và Bác Hồ tin tưởng và rèn luyện cho toàn Ngành từ những tháng năm gian khó nên tài chính đã trở thành lực lượng đi đầu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, để đem lại những thành công mới.

Có thể khẳng định trong chặng đường gần ba mươi năm đổi mới thành công của Đảng và Nhà nước, công tác tài chính luôn đóng vai trò then chốt và mũi nhọn trong mở đường, tạo dấu ấn từ chính sách cho tới thực tiễn. Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành Tài chính đã góp phần tạo ra hàng loạt thị trường dịch vụ, minh bạch hóa hệ thống quản lý, khơi thông dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh bằng các chính sách thuế, phí, ưu đãi và thu hút đầu tư hợp lý…

Những dấu mốc lớn như Việt Nam gia nhập ASEAN, APEC, WTO và sắp tới là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều có công sức không nhỏ của Ngành bằng các cơ chế, chính sách tài chính mang tính chất bản lề, vừa phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, vừa đảm bảo các cam kết hội nhập, được cộng đồng nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao. Cùng với những nỗ lực lớn trong công tác quản lý thu - chi, các nguồn lực tài chính luôn được quản lý minh bạch và hiệu quả thể hiện qua hàng loạt chương trình ứng dụng công nghệ thông tin lớn như Dự án TAMBIS, tiến tới thực hiện hệ thống tổng kế toán nhà nước.

Đối với công tác thu, ngành Thuế đã có bước tiến lớn trong cải cách hành chính, trong vận hành bộ phận “một cửa” và kê khai thuế qua mạng; Ngành Hải quan có bước đột phá trong Hải quan điện tử và mới nhất là ứng dụng thành công hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Đối với thị trường tài chính, trải qua 14 năm xây dựng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế thể hiện sự ổn định của thị trường cổ phiếu và bước phát triển vượt bậc của thị trường trái phiếu, bên cạnh đó là sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trưởng bảo hiểm.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính thật đặc biệt, khi cùng những nhiệm vụ chuyên môn nổi bật, ngành Tài chính còn hoàn thành nhiều việc làm ý nghĩa. Đó là đoàn cán bộ, công chức tài chính đã kịp thời có mặt động viên quân dân quần đảo Trường Sa trong những ngày sóng gió tháng 5/2014. Đặc biệt, kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sỹ năm nay, toàn Ngành đã hoàn thành một tâm nguyện vô cùng ý nghĩa và lớn lao - Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 từ sự chung tay góp sức của hơn 8 vạn cán bộ, công chức tài chính đã chính thức hoàn tất.

Những ngày tháng Tám ý nghĩa này, chính lòng thành kính, biết ơn công lao và sự hy sinh của các thế hệ đi trước đã góp phần nhân lên niềm tin, khát vọng trong mỗi cán bộ, công chức tài chính với mong muốn cống hiến nhiều hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế, Hải quan đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, phấn đấu đến năm 2015, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm). Tin tưởng rằng sứ mệnh mà toàn Đảng, toàn dân giao cho ngành Tài chính sẽ được mỗi cán bộ, công chức thực hiện trong hào khí Mùa thu Cách mạng, đủ sức đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 - 2014